Chính giới Mỹ mâu thuẫn về giữ nghi can khủng bố

Chính quyền Tổng thống Obama và đảng Cộng hòa không tìm được tiếng nói chung về cách giải quyết khi nhà tù Guantanamo đóng cửa.
Lại thêm một mâu thuẫn mới giữa chính quyền Dân chủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và đảng Cộng hòa khi hai bên không tìm được tiếng nói chung trong giải quyết số phận của các nghi can khủng bố sau khi nhà tù Guantanamo đóng cửa.

Tại cuộc tranh luận về vấn đề này trong dự luật chính sách quốc phòng và ngân sách quốc phòng trong tài khóa 2012 (bắt đầu từ 1/10 vừa qua) ngày 17/11, Tổng thống Obama đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các thượng nghị sỹ Cộng hòa đối với kế hoạch đóng cửa nhà tù quân sự nói trên và đưa các nghi can bị giam giữ tại đây về Mỹ để xét xử.

Các điều khoản gây tranh cãi trong dự luật này là cho phép giam giữ vô thời hạn những người bị tình nghi có liên quan đến các hoạt động gây tổn hại cho lợi ích và an ninh quốc gia theo luật chiến tranh.

Theo đó, những người bị bắt có thể bị giam giữ cho đến khi cuộc xung đột kết thúc và bị xét xử trước các tòa án binh hay tòa án dân sự hoặc gửi đến nước thứ ba. Dự luật cũng đồng thời mở rộng quyền hạn của tổng thống trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, văn kiện này sẽ không áp dụng đối với công dân Mỹ hoặc những đối tượng lưu trú hợp pháp trên đất Mỹ.

Theo Thượng nghị sỹ John McCain, kế hoạch này là "một sự thất bại toàn diện." Những người chỉ trích chính sách của chính quyền Obama, trong đó có cả các thượng nghị sỹ Dân chủ, cảnh báo dự luật cho phép giam giữ tù nhân kiểu này có thể bị lợi dụng áp cho một số trường hợp bị tình nghi hoặc thậm chí cho phép giam giữ công dân Mỹ vô thời hạn.

Trong khi đó, Văn phòng Quản lý và ngân sách của Nhà Trắng tuyên bố điều khoản giam giữ các nghi can khủng bố trong dự luật này là cần thiết, hỗ trợ đáng kể cho công việc của các cơ quan chống khủng bố, lực lượng tình báo...

Những ý kiến ủng hộ cho rằng dự luật này cung cấp một công cụ mới cho chính quyền để chuyển các nghi can khủng bố về Mỹ phục vụ công tác điều tra, thu thập thông tin tình báo thay vì đối xử với những đối tượng này như những kẻ tội phạm sẽ bị xét xử.

Cựu Tổng thống George W. Bush đã tạo nên cuộc tranh cãi pháp lý gay gắt trong suốt một thập kỷ qua khi tháng 11/2001, sau khi xảy các vụ tấn công kinh hoàng 11/9, ông ra lệnh đưa những nghi can khủng bố ra xét xử tại các tòa án binh.

Chính quyền Tổng thống Obama cũng đã cố gắng đưa "kiến trúc sư" các cuộc tấn 11/9 Khalid Sheikh Mohammed và bốn đồng mưu khác ra xét xử ở tòa án dân sự Manhattan, nhưng đã hủy bỏ kế hoạch này đầu năm nay vì Thượng viện "từ chối khoản ngân sách cần thiết" (cho phiên tòa)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục