Mỹ điều tra vụ chôn chất độc da cam ở Hàn Quốc

Mỹ đã đạt tiến bộ trong điều tra thông tin nhiều thùng chứa chất độc da cam được chôn tại Doanh trại quân đội Carroll ở Hàn Quốc.
Ngày 23/5, Trung tướng John D. Johnson của Mỹ cho biết quân đội Mỹ đã đạt tiến bộ trong cuộc điều tra liên quan thông tin có nhiều thùng chứa chất độc da cam được chôn tại Doanh trại quân đội Carroll của Mỹ ở Hàn Quốc vào năm 1978.

Văn bản tuyên bố của Tướng Johnson, Chỉ huy sư đoàn bộ binh số 8, công bố chiều 23/5 liên quan tới cuộc điều tra chung Mỹ-Hàn viết: "Chúng tôi đã đạt được tiến bộ nhưng chúng tôi còn nhiều việc phải làm. Tôi đề nghị người Hàn Quốc và người Mỹ hãy kiên nhẫn trong thời gian chúng tôi tiếp tục tiến hành cuộc đánh giá chung này."

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi kênh truyền hình KPHO của thành phố Phoenix thuộc bang Arizona, Mỹ, ngày 13/5 phát một bộ phim tài liệu, trong đó ba cựu chiến binh Mỹ từng tham gia Chiến tranh Việt Nam đã nói rằng vào năm 1978, họ được lệnh đào một con mương có chiều dài gần một dãy phố để chôn 250 thùng có chứa chất màu vàng tươi hay màu cam tại một căn cứ quân đội Mỹ có tên Trại Carrol ở tỉnh Bắc Gyeongsang của Hàn Quốc.

Sau đó, Steve House, một trong số các cựu chiến binh nói trên, nói với truyền thông địa phương rằng có khoảng 600 thùng có thể đã được chôn tại khu vực này.

Tuyên bố của Tướng Johnson còn cho biết một cuộc nghiên cứu do Quân đoàn Công binh Mỹ tiến hành vào năm 1992 cho thấy một số lượng lớn các thùng chứa hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các chất dung môi đã được chôn trong phạm vi khu vực mà các cựu quân nhân Mỹ tiết lộ.

Tướng Johnson nói thêm rằng cuộc điều tra hiện tại cần nhiều thời gian mới hoàn thành. Ông cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Hàn Quốc để xác minh thông tin do ba cựu chiến binh Mỹ tiết lộ.

Thông tin về nhiều thùng chứa chất độc da cam được chôn tại Hàn Quốc hơn 30 năm trước dấy lên mối lo ngại của công chúng không chỉ tại Hàn Quốc mà ở cả Mỹ. Chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến năm 1971.

Nhiều nghiên cứu khoa học kết luận những người dân thường cũng như binh lính có tiếp xúc với chất độc da cam chịu những tổn thương về sức khỏe, trong đó nhiều người bị ung thư và bệnh nguy hiểm khác; đồng thời nhiều con cháu của những người nói trên bị dị tật bẩm sinh và rối loạn chức năng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục