Sẽ phạt mạnh với xe sử dụng còi có âm lượng lớn

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã nhấn mạnh về việc muốn khắc phục nạn "còi tặc" cần phải dựa vào ý thức người dân.
Vụ tai nạn giao thông trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 14/6 đã làm một cháu bé hai tuổi thiệt mạng đã làm xôn xao dư luận. Nguyên nhân ban đầu là do chiếc xe bồn chạy phía sau bất ngờ bóp còi lớn làm người mẹ giật mình và phanh gấp lại nên bị ngã xe, khiến cháu bé gặp nạn.

Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh đến việc muốn khắc phục nạn "còi tặc" gây bức xúc trong dư luận phải dựa vào ý thức người dân, gắn nó vào văn hóa giao thông của người tham gia giao thông.

- Thưa Bộ trưởng, trước hiện tượng còi xe có âm lượng quá lớn được sử dụng một cách tràn lan thì làm sao để khắc phục vấn nạn này, đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Phải đưa vào văn hóa giao thông, trong đó có văn hóa còi xe, qua đó thay đổi thói quen trong xã hội. Trước những hành vi "quá lố" khi sử dụng còi xe quá âm lượng quy định thì phải tăng chế tài xử phạt mạnh hơn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng, xử lý theo Nghị định số 34 ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Sắp tới cũng sẽ có những kế hoạch, chiến dịch đi kèm với giải pháp tuần tra kiểm soát.

Theo tôi, thứ nhất là phải tuyên truyền mạnh và thứ hai là tiến hành xử phạt mạnh. Có thể tổ chức những chuyên đề về văn hóa giao thông cho người dân trên diện rộng.

- Vậy chắc chắn cũng sẽ phải có sự góp mặt của Cục Đăng kiểm Việt Nam?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Thực ra thì Cục Đăng kiểm Việt Nam, trách nhiệm chính của họ là kiểm tra về chất lượng của những phương tiện giao thông. Bởi vì đã có quy định, tiêu chuẩn chi tiết là còi xe với bao nhiêu đề-xi-ben, đạt âm lượng bao nhiêu là hợp lý, được sử dụng.

Nếu chủ phương tiện mang phương tiện đến kiểm tra, nếu đăng kiểm phát hiện ra việc sử dụng còi xe không đúng luật thì hoàn toàn họ có quyền xử lý. Đã có những chỉ đạo và chỉ thị để họ thực hiện việc này rồi.

- Tuy nhiên, chủ phương tiện lại có cách đối phó khác là nếu bị bắt tháo gỡ còi không đúng quy định ra thì khi xong việc họ lại lắp vào?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Tôi cũng đã nói vấn đề này rất nhiều với những công ty taxi rồi các công ty xe buýt. Cũng đã có những công văn gửi sang, yêu cầu là phải kiểm tra cái này [kiểm tra còi xe - PV].

- Bộ trưởng đã bao giờ giật mình khi nghe thấy tiếng còi xe quá lớn nhất là vang lên từ phía sau?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Đèn đỏ thì mọi người dừng lại. Đèn vàng thì phải để cho người tham gia giao thông chuẩn bị sẵn sàng để khi đèn xanh bật lên là người ta được đi. Thế nhưng đèn tín hiệu giao thông chưa kịp bật đèn xanh thì ở phía dưới còi xe cứ bấm tin tin loạn hết cả lên rồi. Đường thì chật, xe thì đông, đi chậm trong thành phố thì phải để cho người ta từ từ mà đi chứ. Cũng có những cái xe cứ luồn lách rồi vượt phải cũng bóp còi inh lên.

Taxi cũng có, xe buýt cũng có, và xe tải thì việc này diễn ra rất là nhiều. Có những xe tư nhân, xe sang, họ văn minh, có tiền, tuy có văn hóa nhưng vẫn duy trì những cái thói quen xấu đấy.

Theo tôi thì phải tính toán từng bước đi vì cái này đã trở thành một thói quen, một hiện tượng của xã hội. Nó diễn ra rất nhiều, không thể nào nói một chốc một lát là giải quyết ngay được. Biện pháp chính bây giờ là cứ phải tuyên truyền mạnh, sâu rộng hết người này đến người khác. Các ngành, các cấp cũng phải chú ý vào cái này. Xã hội phải lên tiếng, phải phê phán, cơ quan báo chí cũng phải góp tiếng nói vào. Phải gắn việc khắc phục vấn nạn "còi tặc" vào văn hóa giao thông.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp xử phạt, tăng cường lực lượng xử phạt theo chuyên đề. Theo tôi, mức xử phạt cũng đã đủ sức răn đe rồi đấy. Việc tổ chức xử phạt chuyên đề về vấn nạn "còi tặc," tôi sẽ đề xuất trong thời gian tới.

Cần phải tự giác, cái này phải được đề cao chứ các chế tài cũng không thể bịt kín được. Tôi lấy ví dụ là việc cơi nới các thùng chở hàng trên xe tải. Tại sao bây giờ cứ gặp phải tình trạng người chủ xe, hay lái xe cứ cơi nới thùng thật cao, thật to ra rồi chạy quá tải, phá tanh bành đường ra. Việc cân, kiểm soát tải trọng thì có cái hay của nó nhưng cũng không thể khắc phục được tất cả. Khi kiểm tra, kiểm định thì họ tháo thùng cơi nới ra, xong lại lắp vào. Thế cho nên tôi mới nói là văn hóa, đạo đức của người tham gia giao thông phải được đặt lên hàng đầu./.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục