Tổng thống Iran đề nghị sửa đổi Hiệp ước NPT

Phát biểu ngày 1/5, Tổng thống Iran tuyên bố Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân đã "thất bại" và Iran sẽ đề nghị sửa đổi Hiệp ước này.
Phát biểu ngày 1/5 trước khi rời Tehran tới New York, Mỹ tham dự Hội nghị tổng kết Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT), Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố NPT đã "thất bại" và nước này sẽ đề nghị sửa đổi Hiệp ước này.

Tổng thống Ahmadinejad cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới hiện nay là chế tạo và tàng trữ vũ khí hạt nhân.

Theo ông, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã không thực hiện thành công nhiệm vụ của mình.

Ông nhấn mạnh trong khi Iran tuân thủ không phổ biến vũ khí hạt nhân thì một số nước đã có được vũ khí hạt nhân trong giai đoạn này. Do đó, nếu hội nghị lần này thành công với việc xem xét lại các nguyên tắc cơ bản của NPT thì đó sẽ là một bước tiến dài hướng tới an ninh thế giới.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Manoucher Mottaki cho biết sẽ yêu cầu các nước đã ký NPT gây áp lực để Ixraen ký vào Hiệp định này.

Ngoài Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, phái đoàn của Iran tham dự Hội nghị tổng kết NPT lần này còn có Người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi và Ngoại trưởng Manoucher Mottaki.

Nguồn tin từ chính quyền Iran ngày 1/5 cho biết Chính quyền Mỹ đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho nhiều thành viên phái đoàn của Iran.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 29/4 đã cảnh báo Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad sẽ thất bại nếu cố tình gây trở ngại tại Hội nghị NPT lần này.

Hội nghị NPT, kéo dài từ ngày 3 - 28/5, sẽ có sự tham gia của 189 phái đoàn, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Trước đó, ông Ban Ki-moon từng nhấn mạnh rằng sự tham dự của nhà lãnh đạo Iran tại hội nghị này cùng một số đề xuất mang tính xây dựng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran sẽ là rất hữu ích.

Tuy nhiên, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này cũng kêu gọi Nhà nước Hồi giáo nối lại đàm phán với các cường quốc, đồng thời hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục