Thủ tướng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 2011

Thủ tướng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015.
Sáng 20/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015.

[Toàn văn báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội]

Trên cơ sở tình hình 9 tháng đầu năm và dự báo các tháng cuối năm, Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 trên một số nội dung chủ yếu như chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; lạm phát giảm dần, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực; sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.

Nhờ xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường nên từ tháng 5 năm 2011 mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, 9 tháng tăng 16,63%, ước cả năm tăng khoảng 18%.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, sắp hoàn thành; miễn, giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân. Kết quả là, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP (kế hoạch là 5,3%), thu ngân sách tăng, đáp ứng nhu cầu chi và dành một phần để tăng chi trả nợ.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt; ước cả năm, tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%. Vốn tín dụng được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giảm tỷ trọng vốn vay của khu vực phi sản xuất; lãi suất tín dụng đã có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát có kết quả bước đầu. Nợ công được giữ ở mức an toàn. An ninh năng lượng và an ninh lương thực được bảo đảm.

Về các mục tiêu  phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nêu rõ năm 2012 phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5-7%.

Chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 khoảng 6-6,5%. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình và tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức 6,5%. Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%. Phấn đấu đạt 7%.

Năm 2012, bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%. Đến năm 2015, nợ công khoảng 60-65% GDP.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước. Theo đó, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp được 1.026 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi trước thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thắng lợi của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự điều hành của Chính phủ, kinh tế tiếp tục phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế; lạm phát, giá cả, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; nhập siêu còn lớn. Sản xuất, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; còn tiềm ẩn những yếu tố tác động đến ổn định chính trị xã hội.Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội không giảm. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi. Cải cách hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng lãnh phí chưa được đẩy lùi. Cử tri kiến nghị tập trung vào một số vấn đề chủ yếu về sửa đổi Hiến pháp năm 1992; sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; giáo dục và đào tạo; phòng chống tham nhũng, lãng phí....

Cuối phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra những nội dung báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục