Sẽ tăng cường giải pháp mạnh về quản lý đầu tư

Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển vẫn còn tình trạng bố trí vốn dàn đều, thậm chí bố trí cả vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư và chưa thực sự tập trung cho các dự án hoàn thành.
Tính đến đầu tháng Bảy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã đạt khoảng 390,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước đạt 166,8 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ và chiếm 42,7% trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội.

Có được kết quả này, theo các nhà đầu tư đánh giá, việc phân bổ vốn kế hoạch năm 2010 đã được các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện sớm hơn năm trước, đặc biệt, kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ năm nay được giao sớm hơn ba tháng so với các năm trước.

Tuy nhiên, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển vẫn gặp phải những tồn tại cần phải khắc phục trong sáu tháng cuối năm nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước năm 2010.

Vẫn là bài toán dàn đều

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung việc phân bổ vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm nay của các bộ, ngành và địa phương được thực hiện theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn còn tình trạng bố trí vốn dàn đều, thậm chí bố trí cả vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư và chưa thực sự tập trung cho các dự án hoàn thành.

Đối với nguồn trái phiếu chính phủ, một số địa phương còn chưa phân bổ hết kế hoạch được giao như Thái Nguyên, chưa giao 28 tỷ đồng vốn các dự án giao thông; Lào Cai chưa giao 7 tỷ đồng vốn các dự án giao thông và 10 tỷ đồng vốn các dự án thủy lợi; Nghệ An chưa giao 7 tỷ đồng cho các dự án giao thông, thủy lợi...

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải chủ động điều chuyển vốn cho các dự án giải ngân thấp sang các dự án hoàn thành có khả năng giải ngân cao.

Nhưng qua kiểm tra, số bộ, ngành, địa phương điều chuyển vốn giữa các dự án là khá thấp. Chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn điều chuyển 85,4 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2010 của 30 dự án do bộ quản lý để tăng vốn tập trung cho 11 dự án và 80 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (cắt giảm vốn của 7 dự án để tăng vốn tập trung cho 7 dự án khác).

Bên cạnh đó, có 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hải Phòng, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước, Cao Bằng và Thành phố Hồ Chí Minh cắt giảm 92 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hoãn khởi công mới 1 dự án để bổ sung tăng vốn cho 97 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn 401 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, một số địa phương còn điều chuyển vốn cho nhiều dự án hơn số dự án cắt giảm.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển của các bộ, ngành và địa phương trong sáu tháng đầu năm tuy khá hơn cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 53.040 tỷ đồng, bằng 42,3% kế hoạch; trong đó, Trung ương đạt 27,6% và địa phương đạt 50% nhưng chủ yếu là số vốn tạm ứng (chưa sử dụng), chiếm 45% tổng số giải ngân và thanh toán các khối lượng hoàn thành các dự án chuyển tiếp năm trước, còn khối lượng hoàn thành của các dự án, đặc biệt các dự án mới vẫn ở mức rất thấp.

Nhìn nhận những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc triển khai Nghị định số 69/2009/NĐ-CP liên quan đến giá đền bù giải phóng mặt bằng gây rất nhiều lúng túng cho các chủ đầu tư do giá đền bù giải phóng mặt bằng vượt khá xa so với dự toán ban đầu.

Ngoài nguyên nhân muôn thủơ là năng lực tài chính cộng với kinh nghiệm, thiết bị và nhân lực của một số nhà thầu thi công, tư vấn còn hạn chế, ảnh hưởng lớn tới công tác chuẩn bị đầu tư và tiến độ thực hiện dự án còn do sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương còn chưa thật sự chặt chẽ; năng lực quản lý của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn thiếu chuyên nghiệp.

Mặt khác, do công tác đấu thầu phân cấp mạnh cho chủ đầu tư nên việc nắm bắt tiến độ triển khai của cơ quan nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.

Tăng cường các giải pháp "tiếp sức"


Để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư và giải ngân vốn trong sáu tháng cuối năm cũng như khắc phục tình trạng phải chuyển nguồn sang năm sau với số lượng vốn lớn như các năm vừa qua, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh các quy định về thủ tục phân cấp và quản lý đầu tư, đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư kinh doanh.

Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng và trình Thường trực Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về Luật Đầu tư công. Nếu Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua, một mặt sẽ tạo ra hệ thống đồng bộ các luật về đầu tư phát triển, mặt khác khắc phục được tình trạng trì trệ và những tồn tại, hạn chế trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển cũng như trong quản lý để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Các chuyên gia đầu tư cũng cho rằng cùng với việc mở rộng và hoàn chỉnh khung pháp lý và chính sách đầu tư theo các hình thức BOT, BO, BT, PPP..., nếu thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa để thu hút các nguồn vốn cả trong và ngoài nhà nước thì đây sẽ là nguồn bổ sung cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhằm bảo đảm bố trí vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ tập trung, sớm đưa công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ thu hồi vốn kế hoạch năm 2010 của các bộ, ngành bố trí cho các dự án chưa đủ thủ tục hoặc đến 30/6/2010 chưa phân bổ vốn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp số vốn cắt giảm và dự kiến phương án cắt giảm điều chuyển cho các dự án cấp bách khác hoặc các đơn vị khác để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm số vốn trái phiếu chính phủ chưa giao hết kế hoạch để điều chuyển cho các bộ, ngành và địa phương khác có nhu cầu sử dụng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ đến hết ngày 30/9/2010, bộ, ngành và địa phương nào có khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2010 dưới 60% kế hoạch, sẽ cắt giảm điều chuyển vốn cho các bộ, ngành và địa phương có khối lượng thực hiện trên 90% kế hoạch.

Đến hết 31/1/2011, địa phương nào không giải ngân hết số vốn kế hoạch sẽ thu hồi về ngân sách Trung ương để phân bổ cho các nhu cầu đầu tư cần thiết khác, không cho phép kéo dài như các năm trước.

Về phía các bộ, ngành và địa phương, song song với việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, từ phân cấp về thẩm quyền quyết định dự án đầu tư và cân đối vốn đầu tư ở từng cấp; cần quy hoạch và xây dựng kế hoạch đầu tư gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước.

Riêng việc cấp phát vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, Bộ Tài chính cần rà soát lại các quy định về tạm ứng vốn trong năm kế hoạch, khắc phục tình trạng lợi dụng vốn tạm ứng vào mục đích khác trái với quy định của pháp luật./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục