UNIDO giúp Việt Nam thực hiện Công ước Stockholm

UNIDO hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước Stockholm nhằm loại bỏ việc sử dụng và phát thải các chất POPs.
Ngày 29/7, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Bộ Công thương và Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo với chủ đề "Áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có và kinh nghiệm môi trường tốt nhất  để giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (UP-POP) từ ngành công nghiệp Việt Nam."

Hội thảo cũng là diễn đàn để các chuyên gia quốc tế và trong nước, các bên cùng hưởng lợi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cũng như nỗ lực hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Công ước Stockholm nhằm loại bỏ việc sử dụng và phát thải các chất POP.

Dự án được thực hiện trong hai năm do Tổng cục Môi trường Việt Nam, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) và UNIDO thực hiện.

Với tổng kinh phí 800.000 USD từ Quỹ GEF, dự án nhằm nâng cao năng lực kiểm soát các chất UP-POP thông qua việc thực hiện các dự án thí điểm tại bốn ngành công nghiệp gồm xử lý rác thải, công nghiệp luyện thép, sản xuất ximăng và sản xuất giấy.

Trong khuôn khổ dự án, UNIDO đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển nguồn nhân lực cần thiết và hạ tầng cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ của Công ước Stockholm, các biện pháp giảm thiểu và loại bỏ phát thải các chất POP hình thành không chủ định.

Các hoạt động của dự án cũng được kết hợp với các chiến lược quốc gia của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp bền vững và sản xuất sạch hơn, góp phần cải thiện sức khỏe của người dân và cải thiện môi trường.

Tại hội thảo, đại diện Ban Thư ký của Quỹ GEF, UNIDO, các cơ quan điều phối, các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực theo dõi và quản lý các chất POP đã báo cáo những nội dung kết quả đạt được trong việc xử lý nhiệt độ cao chất thải trong lò đốt và lò nung ximăng, trong ngành công nghiệp luyện thép nhằm giảm phát thải các chất UP-POP; hiện trạng ô nhiễm và quản lý PCB tại Việt Nam.

Ngoài ra còn có báo cáo đánh giá và thử nghiệm kỹ thuật nhằm xử lý triệt để dioxin tại các điểm nóng; ảnh hưởng của việc tái chế rác thải điện tử không kiểm soát đến môi trường và sức khỏe con người...

Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 30/7./.

Văn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục