Malaysia giảm trợ giá để hạn chế thâm hụt ngân sách

Chính quyền của Thủ tướng Malaysia cho rằng, việc cắt giảm trợ giá nhiên liệu và đường sẽ tiết kiệm 250 triệu USD mỗi năm.
Từ ngày 16/7, Chính phủ Malaysia bắt đầu thực hiện cắt giảm trợ giá bằng việc tăng giá xăng dầu, khí đốt và đường. Theo quyết định mới, mỗi lít xăng và dầu diesel sẽ tăng thêm 0,5 ringgit (0,17 USD), giá khí đốt tăng thêm 0,1 ringgit (0,03 USD)/kg. Mỗi kg đường tăng thêm 0,25 ringgit (0,08 USD).

Trong tuyên bố đêm 15/7, Chính quyền của Thủ tướng Najib Razak cho rằng việc cắt giảm trợ giá nhiên liệu và đường này sẽ tiết kiệm cho chính phủ 750 triệu ringgit (250 triệu USD) mỗi năm. Tuy nhiên, giá xăng dầu và đường được điều chỉnh rất ít so với đề nghị vì chính phủ muốn cân bằng việc duy trì lợi ích của người tiêu dùng với nhu cầu giảm mức thâm hụt ngân sách nhà nước. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu cắt giảm trợ giá và việc điều chính sẽ được xem xét cứ sáu tháng một lần.

Các nguồn tin chính phủ cho biết việc cắt giảm trợ giá điện cũng sẽ được thực hiện nhưng hiện chính phủ vẫn chưa quyết định thời điểm tiến hành.

Ông Jala, Bộ trưởng thuộc Phủ thủ tướng, từng đưa ra dự đoán gây tranh cãi rằng Malaysia có thể vỡ nợ vào năm 2019 nếu như nước này không bắt đầu thực hiện ngay cắt giảm trợ giá xăng dầu, điện, thực phẩm và các mặt hàng khác mà theo ông, năm ngoái đã ngốn của nhà nước tới 74 tỷ ringgit (24,6 tỷ USD).

Kinh tế Malaysia đã tăng trưởng 10,1% trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên, tốc độ đầu tư trực tiếp nước ngoài lại giảm hơn so với các nước khác trong khu vực như Singapore và Trung Quốc, đồng thời nguồn vốn đầu tư đổ ra nước ngoài đã làm nản lòng các nhà đầu tư tư nhân trong nước.

Theo số liệu chính thức, đầu tư ra nước ngoài trong năm 2008 và 2009 đã lên tới 61 tỷ USD. Chính phủ Malaysia sẽ dành khoảng 91 tỷ ringgit (30 tỷ USD) cho tiêu dùng trong hai năm đầu của kế hoạch phát triển Malaysia lần thứ 10./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục