Nga-Trung có thể hợp tác trong lĩnh vực năng lượng

Năm tới, Nga và Trung Quốc sẽ thảo luận các dự án trong lĩnh vực năng lượng tại các nước thứ 3 và có thể tiến tới thỏa thuận khí đốt.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergei Shmatko, trong năm tới, các công ty Nga và Trung Quốc sẽ thảo luận về các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tại các nước thứ ba và có thể tiến tới một thỏa thuận về khí đốt.

Ông Shmatko khẳng định Nga và Trung Quốc có cùng các lợi ích chiến lược trong lĩnh vực năng lượng.

Trong khi Trung Quốc quan tâm tới nguồn cung dầu và khí đốt đảm bảo về dài hạn, Nga muốn sử dụng kinh nghiệm và công nghệ trong việc thăm dò và khai thác ở các nước thứ ba tại nhiều khu vực như Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Nga là nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc trong năm ngoái đã vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ lớn nhất.

Trung Quốc là thị trường đã đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu tài nguyên của Nga trong nhiều thập kỷ. Đây cũng là đối tác duy nhất chia sẻ quan điểm của Nga trong các thỏa thuận năng lượng dài hạn với mức giá ổn định.

Tuy nhiên, những nỗ lực giữa hai nước nhằm đạt được một thỏa thuận về khí đốt đã bị ngưng trệ trong nhiều năm, chủ yếu do bất đồng về giá. Nga tuyên bố có thể cung cấp cho Trung Quốc toàn bộ lượng khí đốt mà nước này cần.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng Chín, Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin cho biết, Nga đang tiến hành đàm phán với các đối tác Trung Quốc về các kế hoạch cung cấp khí đốt cho nước này từ năm 2015.

Khẳng định châu Âu vẫn là thị trường chủ chốt của Nga, song ông Shmatko đề cập tới khả năng trong một thập kỷ, lượng khí đốt mà nước này xuất khẩu tới Trung Quốc và Hàn Quốc có thể bắt kịp lượng khí đốt bán cho châu Âu.

Châu Âu hiện vẫn chưa quyết định về lượng khí đốt muốn mua của Nga trong dài hạn, trong khi có kế hoạch đáp ứng 50% nhu cầu bằng năng lượng sạch.

Châu Âu là thị trường xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất của Nga, song Mátxcơva đang tìm kiếm những khách hàng mới, khi khách hàng chủ chốt này muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục