"Cần thể hiện rõ ràng hơn chủ quyền của nhân dân"

PGS,TS Nguyễn Văn Mạnh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng dự thảo Hiến pháp 1992 có nhiều điểm mới.
Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Mạnh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng dự thảo Hiến pháp có nhiều điểm mới về nội dung và kết cấu cũng như kỹ thuật lập pháp.

Theo ông, dự thảo nhìn chung đáp ứng được yêu cầu tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng như vấn đề chủ quyền của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì dân dân; thể chế hóa những quan điểm chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội XI của Đảng.

Tuy nhiên, đối chiếu với những nguyên tắc, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Mạnh đề nghị cần sửa đổi, bổ sung một số vấn đề cho phù hợp.

Đề cập về vấn đề chủ quyền của nhân dân, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Mạnh nhấn mạnh Hiến pháp là văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Như vậy, quyền lập hiến là của nhân dân, Nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo sự ủy thác của nhân dân. Trong dự thảo, vấn đề chủ quyền của nhân dân được quan tâm hơn nhưng chưa rõ ràng và dứt khoát.

Khái niệm “nhân dân” cũng chưa đầy đủ, mới chỉ nêu “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” trong khi có nhiều tầng lớp khác trong khối đại đoàn kết toàn dân dân tộc, đang đóng góp, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Mạnh đề nghị bổ sung vào Điều 2 Dự thảo như sau: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc."

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Mạnh, chủ quyền của nhân dân là thiêng liêng, là thành quả đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng trong dự thảo thể hiện chưa rõ ràng: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 29 dự thảo); “ Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” (Điều 30 dự thảo); “việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” ( khoản 4 Điều 124 dự thảo).

Điều 74 dự thảo quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.” Nếu chỉ quy định như vậy thì chỉ thấy quyền lực của Quốc hội, chưa rõ chủ quyền của nhân dân, quyền lực của Quốc hội cũng là do nhân dân ủy thác, giao cho Quốc hội thực hiện.

Liên quan đến những vấn đề nêu trên, để thể hiện rõ hơn chủ quyền của nhân dân, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Mạnh đề nghị sửa Điều 29, Điều 30 và khoản 4 Điều 124 dự thảo.

Điều 29 sửa lại là: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước; có quyền giám sát, đánh giá các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Nhà nước tổ chức, sử dụng các hình thức thích hợp để công dân thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, giám sát, đánh giá các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức, viên chức nhà nước; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhân, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.”

Điều 30 sửa lại là: “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp và các vấn đề quan trọng của đất nước.”

Khoản 4, Điều 124 sửa lại là: Dự thảo Hiến pháp khi được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và hai phần ba tổng số công dân có quyền bầu cử nhất trí tán thành”.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, nếu Hiến pháp thực sự phản ánh ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân lại được Quốc hội cũng thực sự là của dân, do dân, vì dân thông qua thì không có gì băn khoăn, lo ngại khi trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Điều 74 sửa lại như sau: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước theo ý chí, nguyện vọng và vì lợi ích của nhân dân”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục