Đức, Anh căng thẳng với đề xuất liên minh ngân hàng

Đức và Anh bày tỏ quan ngại với đề xuất thành lập liên minh ngân hàng của châu Âu sẽ gây ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng của mình.
Để có thể thực hiện kế hoạch thành lập một liên minh ngân hàng, các nước thành viên Eurozone phải từ bỏ phần nào quyền giám sát các ngân hàng của mình, đề xuất này đã dẫn đến những căng thẳng với Đức và Anh.

Theo báo Bưu điện quốc gia Canada, châu Âu đã có bước tiến gần hơn đến một liên minh ngân hàng với kế hoạch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giám sát tất cả các ngân hàng thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone), nền tảng của sự liên kết tài chính gắn bó hơn nhằm chấm dứt những năm bất ổn tài chính trong khu vực.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã nêu đề xuất này trong bài phát biểu ngày 12/9, mở đường cho sự hợp nhất kinh tế hơn nữa.

Mục tiêu của những cải cách ngân hàng được đề xuất, cần được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn, là phá vỡ sự liên kết giữa các ngân hàng và nhà nước, ngăn chặn các nước nợ nhiều lún sâu hơn vào khó khăn.

Đề xuất này giải quyết được một thành tố cơ bản của cuộc khủng hoảng, đã tấn công các ngân hàng của châu Âu 5 năm trước và leo thang thành một cuộc khủng hoảng nợ công vào năm 2010.

Ông Barroso nói: "Cuộc khủng hoảng đã chứng minh rằng trong khi các ngân hàng đã trở nên xuyên quốc gia, các quy định và giám sát vẫn ở tầm quốc gia. Chúng ta cần đưa ra những quyết định giám sát chung trong nội bộ Eurozone."

Để có thể thực hiện kế hoạch trên, các nước thành viên Eurozone phải từ bỏ phần nào quyền giám sát các ngân hàng của họ, lâu nay vẫn thuộc trách nhiệm của nhà nước. Do vậy, đề xuất trên đã dẫn đến những căng thẳng với Đức và Anh.

(Các nước ngoài Eurozone "sợ" liên minh ngân hàng)

Mặc dù Anh nằm ngoài Eurozone và sẽ không tham gia kế hoạch này, nhưng nhiều ngân hàng quốc tế tại London có những hoạt động tại Eurozone và sẽ bị ảnh hưởng bởi quyền giám sát mới của ECB.

London cũng quan ngại rằng ECB, tự tin trước quyền lực mới, sẽ có quy định có thể làm xói mòn vị thế của London như thủ đô tài chính của châu Âu.

Khi nhấn mạnh sự nhạy cảm của vấn đề này, EC đã đề xuất việc thành lập một cơ chế bỏ phiếu đặc biệt giữa tất cả các cơ quan quản lý EU làm đối trọng với quyền lực của các cơ quan này tại Eurozone.

Một liên minh ngân hàng được thành lập theo ba bước: ECB nắm quyền giám sát tất cả các ngân hàng thuộc Eurozone và EU đồng ý chịu sự giám sát; thành lập một quỹ để đóng cửa những ngân hàng gặp khó khăn; và một kế hoạch toàn diện để bảo vệ khoản tiền gửi của người dân khắp Eurozone.

Việc thành lập một cơ cấu chung để xử lý các ngân hàng gặp khó khăn sẽ đánh dấu sự chấm dứt cách tiếp cận lộn xộn trước đây của 17 thành viên Eurozone, đã khiến các nhà đầu tư thất vọng và làm tăng chi phí đi vay của những nước yếu hơn.

Việc trao quyền giám sát cho ECB cũng mở ra khả năng Cơ chế Bình ổn châu Âu (EMS) hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng.

Theo các điều khoản của đề xuất trên, ECB sẽ đứng đầu hệ thống các cơ quan quản lý quốc gia hiện manh mún, với quyền kiểm soát, xử phạt và đóng cửa các ngân hàng tại khu vực Eurozone.

ECB cũng có quyền giám sát chặt chẽ tính thanh khoản của các ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng dự trữ thêm vốn để tự bảo vệ trước những thua lỗ tương lai.

Việc đạt được nhất trí về những điều khoản của liên minh sẽ phức tạp và hệ thống mới khó có thể vận hành vào đầu năm 2013, như mục tiêu của các nhà lãnh đạo eurozone.

Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone đang phản đối việc để ECB giám sát tất cả các ngân hàng thuộc Eurozone.

Berlin cho rằng ECB sẽ bị quá tải nếu phải giám sát toàn bộ 6.000 ngân hàng của Eurozone. Nhưng các quan chức EC cho rằng ngay cả các ngân hàng nhỏ cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn và EC có kế hoạch chia việc giám sát này theo giai đoạn để ECB có khả năng giám sát tất cả các ngân hàng.

Các ngân hàng tại Anh cũng e ngại về ảnh hưởng của chế độ mới trên. Ông Anthony Browne, Giám đốc điều hành Hiệp hội ngân hàng Anh, nói: "Thị trường chung là tài sản lớn nhất của EU. Việc phân chia thành một thị trường dịch vụ tài chính hai tầng có thể đe dọa khả năng huy động tiền đầu tư khắp châu Âu của các doanh nghiệp và cản trở phục hồi kinh tế"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục