“Giá dịch vụ y tế mới theo hướng tính đúng, tính đủ"

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - BHXH Việt Nam trả lời phỏng vấn về điều chỉnh giá viện phí mới.

Từ ngày 1/8/2012, giá viện phí mới đã được áp dụng tại một số bệnh viện. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về những nội dung liên quan đến việc thực hiện điều chỉnh giá viện phí mới.

- Giá viện phí mới được một số bệnh viện áp dụng từ ngày 1/8/2012, một trong số các đối tượng bị ảnh hưởng nặng bởi giá viện phí mới là Bảo hiểm xã hội – đơn vị đang chi trả bảo hiểm cho hàng chục triệu người bệnh Việt Nam. Ông có thể nói rõ gánh nặng đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam là như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn: Từ ngày 1/8, tuyến Trung ương có 5 bệnh viện được Bộ Y tế phê duyệt áp dụng giá viện phí mới. Tuyến địa phương có 42 tỉnh, thành phố đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt giá viện phí mới và sẽ triển khai thực hiện trong tháng 8. Các tỉnh, thành phố còn lại đang trong quá trình hoàn thiện để trình Hội đồng nhân dân phê duyệt.

Có thể nói, đa số các địa phương phê duyệt mức giá dịch vụ y tế tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, phù hợp với khả năng và chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Một số địa phương phê duyệt giá dịch vụ y tế chưa đạt mục tiêu đặt ra của Thông tư liên tịch số 04. Đặc biệt, 5 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Cao Bằng và Lào Cai phê duyệt mức dịch vụ y tế khá cao, chưa phù hợp.

Mục tiêu xây dựng giá dịch vụ y tế là tính đúng, tính đủ 3/7 cấu phần chi phí, đảm bảo mục tiêu cơ sở khám chữa bệnh thu hồi đủ chi phí để cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh (thuốc, vật tư y tế; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu bảo dưỡng). 4 cấu phần còn lại vẫn đang được ngân sách nhà nước cung cấp kinh phí.

Quỹ bảo hiểm y tế là một trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi giá dịch vụ y tế. Dù vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội không đặt vấn đề giữ quỹ, cân đối quỹ là hàng đầu, mà hướng tới việc tính đúng, tính đủ bởi chính Cơ quan bảo hiểm xã hội là một trong những chủ thể có ý kiến điều chỉnh giá dịch vụ y tế hướng tới tính đúng, tính đủ.

Cân đối quỹ chỉ được đặt ra với mục tiêu là phát triển để ổn định, bền vững chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm bảo hiểm y tế theo đúng tính chất là dịch vụ công và phi lợi nhuận. Trước khi xây dựng giá dịch vụ y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tính đến ảnh hưởng của giá đối với quỹ bảo hiểm y tế. bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cố gắng giảm mức đóng góp của người dân và ngân sách Nhà nước, thông qua việc phối hợp với Bộ Y tế để tăng độ bao phủ của bảo hiểm y tế theo số đông.

Trong thời điểm hiện nay, bảo hiểm xã hội cũng đang chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương đánh giá tác động của giá dịch vụ y tế mới đã được Hội đồng nhân dân phê duyệt đối với khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế của từng địa phương.

Bởi, từng địa phương cân đối, toàn hệ thống sẽ cân đối. Nếu theo giá dịch vụ mới, sẽ có khoảng 40/63 tỉnh, thành phố có tình trạng bội chi cục bộ. 40 tỉnh, thành phố đó lại là những địa phương đang có nguồn thu lớn.

Các địa phương còn lại tuy chưa bội chi nhưng nếu xây dựng giá dịch vụ y tế mới ở mức không phù hợp với nền kinh tế, khả năng bội chi sẽ có thể xảy ra. Khi đó, nếu phát triển bảo hiểm y tế không tốt, không đúng mục tiêu đặt ra, sẽ phải tính đến việc đề nghị Chính phủ điều chỉnh mức đóng.

- Ông có thể phân tích rõ hơn về những trường hợp tính mức phí dịch vụ y tế chưa phù hợp, chưa đạt được mục tiêu đặt ra là tính đúng, tính đủ?

Ông Phạm Lương Sơn: Điều kiện tiên quyết trong xây dựng giá dịch vụ y tế mới lần này khác với viện phí ban hành theo Thông tư 03 và Thông tư 14. Theo các thông tư này, mức viện phí do cấp thẩm quyền phê duyệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ trưởng Bộ Y tế.

Còn giá dịch vụ y tế mới đòi hỏi phải xây dựng một định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó xác định cơ cấu chi phí và trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Câu chuyện ở đây là phải xây dựng một định mức kinh tế kỹ thuật phản ánh đúng thực tế phát sinh của mỗi địa phương, mỗi cơ sở khám chữa bệnh cho từng dịch vụ.

Dịch vụ y tế là dịch vụ công và phi lợi nhuận, vì vậy mục tiêu đặt ra là các đơn vị, địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh khi xây dựng giá dịch vụ để không có những khoản kinh phí thừa. Trên thực tế, các địa phương phê duyệt giá dịch vụ y tế chưa phù hợp cho thấy rất nhiều định mức kinh tế kỹ thuật, cơ cấu chi phí và quy trình xây dựng chưa tuân thủ những hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vì vậy, các địa phương này áp dụng nguyên trạng định mức kinh tế kỹ thuật được Bộ Y tế ban hành tạm thời theo Quyết định 355 và 358. Định mức theo các Quyết định trên được xây dựng dựa trên phản ánh thực tế của các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa hoặc đa khoa đầu ngành đóng trên địa bàn Hà Nội – nơi có điều kiện kinh tế, chất lượng dịch vụ y tế rất cao. Mặt khác, nhiều cơ cấu chi phí cho thấy có rất nhiều khoản chi phí thừa, trùng lặp.

Có ý kiến cho rằng các địa phương xây dựng cơ cấu viện phí chưa phù hợp, thể hiện việc đang có dấu hiệu lạm dụng quỹ chi trả bảo hiểm y tế. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Phạm Lương Sơn: Lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế là chuyện muôn thủa. Nó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác. Vấn đề là phát hiện và ngăn ngừa như thế nào. Khi chưa có giá dịch vụ y tế mới, tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế đã xảy ra, chủ yếu ở khâu cung cấp các dịch vụ có tần suất sử dụng lớn, chỉ định lạm dụng thuốc không an toàn theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO)... bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có các giải pháp hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh kiểm soát chặt chẽ, tổ chức các đoàn đi kiểm tra.

Đối với dịch vụ kỹ thuật, kết quả kiểm tra cho thấy chủ yếu là lạm dụng ở các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng, chuẩn đoán hình ảnh. Hầu hết các kỹ thuật đó đều được trang bị từ nguồn xã hội hóa. Với giá dịch vụ y tế mới, tần suất sử dụng các kỹ thuật này tăng lên, đây là điều đáng lo ngại vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến quỹ bảo hiểm y tế một cách không hợp lỹ, gây lãng phí.

- Theo ông có biện pháp nào để có thể hướng đến tính đúng, tính đủ trong điều kiện theo từng địa phương, từng cơ sở y tế đều có giá nhập thiết bị kỹ thuật riêng?

Ông Phạm Lương Sơn: Bộ Y tế quy định rất rõ là Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn các bệnh viện đề xuất giá dịch vụ y tế và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, Sở Tài chính, Sở Y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh phải có trách nhiệm thẩm định.

Thẩm định là rất khó khăn vì kê khai về trang thiết bị, chi phí điện nước, duy tu bảo dưỡng, khấu hao... hiện rất khác nhau giữa các tỉnh, thậm chí là giữa các bệnh viện trong cùng một địa phương.

Bảo hiểm xã hội đang thực hiện các phép tính so sánh giữa các cơ sở y tế trên cùng một địa bàn, thậm chí giữa các bệnh viện Trung ương ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để có thể đưa ra những khuyến nghị về tính hợp lý liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật này...

Bảo hiểm xã hội cũng đang hướng dẫn bảo hiểm xã hội các địa phương căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật của các tỉnh trong cùng một khu vực để tham khảo đưa ra khuyến nghị để đưa ra định mức kinh tế kỹ thuật hợp lý, tính đúng, tính đủ./.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục