Vào "Vương quốc vàng"

Cuộc sống của người dân ở Vương quốc vàng Ma Nu

Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Quan, Khau Liêu là thôn đặc biệt khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào đào bới vàng với bao tệ nạn xã hội.
Dân “làm vàng” gọi bãi vàng Ma Nu thuộc xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là “Vương quốc vàng.” Các “bưởng” đã đưa đến đây đủ các thành phần bất hảo để làm vàng. Điều tất yếu là cuộc sống của người dân thôn Khau Liêu, xã Thượng Quan (vùng lõi của bãi vàng Ma Nu) bị cuốn vào vòng xoáy tìm vàng. Lợi trước mắt là “tiền tươi,” là đáp ứng ngay nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, còn hệ lụy ngấm ngầm kéo theo và hậu quả của nó tác động đến sức khỏe, tệ nạn, môi trường... Mỏ vàng Ma Nu có trữ lượng lớn nhất tỉnh Bắc Kạn, cũng là một trong những mỏ vàng lớn của nước với diện tích toàn khu vực trên 30km2; diện tích quy hoạch khai thác vàng khoảng 24km2, nằm trên đất của hai xã Đức Vân và Thượng Quan (Ngân Sơn). Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, ở Ma Nu có khoảng gần 1.000 hầm làm vàng, với gần 1.000km chiều dài. Mỏ vàng này được khai thác từ thời Pháp thuộc, sau này vào cuối những năm 1980 của thế kỷ trước việc khai thác “thổ phỉ” diễn ra khá lộn xộn và đã có không ít người bỏ mạng ở đây. Sau đó, tỉnh Bắc Kạn cũng như Nhà nước đã cấp giấy phép thăm dò cho Công ty ARP thăm dò. Sau hơn 10 năm vừa thăm dò, vừa "làm vàng," Công ty này đã trả lại mỏ cho tỉnh Bắc Kạn và hệ lụy là 44 hộ dân trong thôn Khau Liêu đã không còn được bình yên, “con mất cha, vợ mất chồng” vì nghiện ma túy, vì sập hầm. Từ khi xuất hiện việc đào vàng ở Ma Nu, đường “lớn” cũng được mở. Ôtô các loại (chủ yếu là xe Uoát) hàng ngày đi lại ầm ầm đến trung tâm thôn để cung cấp trang thiết bị, máy móc, nhu yếu phẩm, xăng dầu... và chở người vào để khai thác vàng trái phép bất kể mưa, nắng. Sự việc diễn ra năm này qua năm khác… , đến nay đã trên 20 năm. Chính quyền các cấp đều biết, có tổ chức “dẹp” nhưng nó vẫn tồn tại. Thôn Khau Liêu là thôn nằm ở vùng lõi của mỏ vàng Ma Nu, thuộc xã Thượng Quan. Từ trung tâm xã đến thôn Khau Liêu quãng đường dài chừng 26km; trong đó có khoảng 15km đường đất, gập ghềnh và lởm chởm bởi những vết bánh xe ôtô các loại. Mặc dù đã chọn ngày nắng mới đi, nhưng dọc đường vẫn xuất hiện nhiều vũng nước đục ngầu, sâu chừng 30cm, rộng đến cả vài mét. Sau vài lần phải xuống đẩy xe cho người đồng nghiệp vì những “hố” nước, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được thôn Khau Liêu. Bí thư Chi bộ thôn Khau Liêu, Triệu Thị Mai mở đầu câu chuyện: việc xuất hiện đào đãi vàng ở địa phương đã hơn 20 năm trời, thế nhưng nhìn chung cuộc sống của người dân vẫn lam lũ, một số hộ có khá giả từ vàng nhưng không có tính bền vững, số hộ nghèo trong thôn hiện nay chiếm 34% và hơn 50% hộ cận nghèo. Những người tham gia vào việc “làm vàng” theo dạng mót sái, hay làm thuê cho các bưởng vàng thì một số gia đình đã “sắm” được xe máy, tivi và một số vật dụng có giá trị trong gia đình.
"Mặt tối" của vàng
Bà Mai cho biết thêm “Làm vàng,” chắc chắn môi trường bị ảnh hưởng, nguồn nước sinh hoạt ngày càng ô nhiễm bởi những thứ hóa chất. Rồi đường vào thôn, vốn chẳng tốt đẹp gì cũng dần bị hư hỏng sau mỗi lần trời mưa. Ổ gà, ổ trâu xuất hiện ngày một nhiều. Trước đây từ thôn ra đường nhựa bằng xe máy chỉ khoảng 10-15 phút, nay thì mất cả tiếng đồng hồ, trời mưa thì không thể đi được; trật tự an toàn xã hội không đảm bảo, tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng. Ở thôn Khau Liêu đã có trên 10 người chết do nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Hiện còn gần 20 gia đình có người mắc nghiện ma túy, cá biệt có gia đình có cả cha và con đều mắc nghiện… Một thôn có 44 hộ, gần nửa trong số đó “dính” tệ nạn xã hội.

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, các hoạt động khai thác vàng ở đây diễn ra sôi động, có cả các đơn vị, cá nhân khai thác vàng "quy mô" lẫn "thủ công." Người dân nơi đây cũng bắt đầu tìm kiếm sự hưởng lợi từ khai thác vàng. Hơn 20 năm qua, thu nhập chính của bà con nơi đây chủ yếu từ việc “chui hang,” mót sái vàng. Công việc này không chỉ đàn ông, thanh niên làm, cả phụ nữ, trẻ em cũng bất chấp nguy hiểm để tìm kiếm mưu sinh. Việc phát triển kinh tế bằng sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi đã dần bị “đẩy lùi” mặc dù thôn có 30ha đất đồi để trồng ngô và cây màu và hàng chục hécta đất trồng cây lâm nghiệp nhưng những người làm nông lâm nghiệp giờ đây ở thôn này là rất ít. Anh Triệu Văn Nần, 30 tuổi, người Dao, cho biết: Phần lớn các hộ trong thôn đều có người tham gia việc tìm kiếm vàng, nhưng chủ yếu là đi mót sái, xỉ của những hang vàng bỏ lại. Dân ở đây không thể tự làm vàng được vì chi phí rất lớn. Đi “mót sái” ngày nhiều cũng được 1-2 phân vàng, tính theo giá hiện nay cũng được gần 1 triệu đồng, nhưng cũng có ngày chẳng được gì. Theo chị Triệu Thị Tình, chủ cửa hàng bán quán tạp hóa, những người làm vàng ở đây có nhiều thành phần khác nhau và đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Lúc cao điểm ở Ma Nu có cả nghìn người, không ít người đã từng đi tù, đi trại, người nghiện và nhiễm HIV/AIDS. Có những hang vàng sâu vào núi đến cả nghìn mét, họ phải dùng máy bơm không khí từ ngoài vào mới khai thác được. Bình thường không sao, khi mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau thì loạn cả một vùng. Những “hảo nhân” này sẵn sàng cầm mìn ném nhau. Đánh nhau bằng gậy, đá, thậm chí còn có cả súng. Ở đây phụ nữ, người già và trẻ em đêm đến không dám ra khỏi nhà vì sợ, gia đình nào có người ốm đau vào ban đêm phải đi viện thì vất vả vô cùng, phải nhờ người “hộ tống” mới dám đi. Bà Mai cho rằng sống trên mỏ vàng, cũng nhờ vào việc “làm vàng” để tồn tại, nếu cấm làm vàng hoặc cấp mỏ để khai thác theo quy hoạch thì nhân dân ở đây không biết sẽ sống bằng gì. Thôn rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ bằng những chương trình, dự án chăn nuôi, sản xuất hay một khu tái định cư có đất sản xuất để người dân nơi đây có một hướng đi mới góp phần ổn định cuộc sống. Ông Ngô Đình Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Quan cho biết Khau Liêu là thôn đặc biệt khó khăn, sống trong vùng mỏ, cuộc sống của người dân chủ yếu vẫn dựa vào việc đào bới vàng; tệ nạn xã hội, ma túy đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong thôn; nguồn nước lấy từ mỏ để phục vụ sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất độc hại. Chính quyền xã đã khảo sát để thực hiện việc dùng nước sạch sinh hoạt tập trung, tuy nhiên ở Khau Liêu có thể nói đến nay không có nguồn nước sạch. Xã đã có chủ trương và thực hiện vận động bà con phát triển trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc… cũng rất khó khăn do quỹ đất không nhiều, phong tục tập quán, trình độ nhận thức… còn rất nhiều hạn chế. Cuộc sống của người dân Khau Liêu sẽ thế nào trong tương lai khi nguồn nước bị ô nhiễm; việc đào đãi và mót vàng không còn nữa thì đời sống của hàng chục hộ dân sẽ ra sao? Đây là bài toán khó đặt ra cho các cấp chính quyền địa phương./.
NT-VL (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục