Công bố website VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt

Ngày 14/12, Cục Trồng trọt đã công bố trang web VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tiêu chuẩn Việt Nam) trong lĩnh vực trồng trọt.
Ngày 14/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã phối hợp với Công ty cổ phần Giải pháp doanh nghiệp thông minh vừa công bố trang web chính thức về VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tiêu chuẩn Việt Nam) trong lĩnh vực trồng trọt.

Đây là trang web phổ biến các kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để xây dựng ngành sản xuất trồng trọt có năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng.

Theo ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, VietGAP đã dần đi vào cuộc sống, bước đầu có những mô hình gắn sản xuất với tiêu dùng hiệu quả.

Xây dựng trang web này là nỗ lực tiếp theo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất nông nghiệp an toàn.

Tại website VietGAP sẽ công khai các thông tin an toàn thực phẩm trồng trọt có kiểm chứng của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nội dung được đưa lên website bao gồm các văn bản pháp luật mới; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan; thông tin, tài liệu, hình ảnh có liên quan về an toàn thực phẩm nói chung và trong lĩnh vực trồng trọt nói riêng.

Đối với hoạt động chứng nhận VietGAP, các tổ chức chứng nhận sẽ sử dụng website như một phần mềm tương tác trong nghiệp vụ của mình thông qua việc cấp mã số chứng nhận VietGAP tự động.

Thông qua website này, Cục Trồng trọt có thể nắm được tình hình đánh giá, cấp chứng nhận của các tổ chức chứng nhận VietGAP đối với từng cơ sở sản xuất đăng ký.

Tính đến thời điểm này, tổng diện tích cây trồng sản xuất theo VietGAP hoặc các GAP khác trên toàn quốc đạt khoảng trên 75.000 ha.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một xu hướng tất yếu đối với sản xuất trái cây nói riêng và nông nghiệp nói chung nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Mặc dù việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP khá mới và còn có những vướng mắc đối với người dân, tuy nhiên qua một số mô hình sản xuất cho thấy, nông dân Việt Nam có khả năng trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP nếu được sự hỗ trợ thích hợp, đặc biệt là sự vận hành tốt hệ thống tiêu thụ, phân phối trái cây./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục