Thái Lan đẩy mạnh kế hoạch phát triển giáo dục

Thái Lan đang đẩy mạnh việc triển khai một kế hoạch nhằm giúp nền giáo dục đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ASEAN.
Văn phòng Hội đồng giáo dục Thái Lan đang đẩy mạnh việc triển khai một kế hoạch nhằm giúp nền giáo dục nước này có thể đào tạo ra các sinh viên đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ASEAN.

Đây được coi là một trong những bước chuẩn bị cho việc hình thành một Cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015 của Thái Lan sau cuộc họp của các nước thành viên ASEAN nhằm đưa ra một khuôn khổ chung về giáo dục đào tạo của khu vực.

Dự kiến Thái Lan sẽ triển khai kế hoạch mang tên Khuôn khổ đánh giá tiêu chuẩn quốc gia ở cả cấp đại học và cao đẳng dạy nghề của nước này.

Các nước ASEAN hiện đã nhất trí sẽ lập ra một khuôn khổ tiêu chuẩn chung về chất lượng giáo dục và đào tạo trong khu vực vào cuối năm 2018 nhằm đánh giá tiêu chuẩn chất lượng sinh viên vào lao động di động trong khu vực.

Các thành viên ASEAN cũng khẳng định rằng khuôn khổ đánh giá tiêu chuẩn ở cả cấp quốc gia và khu vực ASEAN là những công cụ tốt hỗ trợ các nền kinh tế đơn lẻ và sẽ chỉ hữu ích nếu chúng được sử dụng và gắn kết với một hệ thống đảm bảo chất lượng.

Khuôn khổ đánh giá tiêu chuẩn quốc gia của Thái Lan sẽ gồm việc kiểm tra kỹ năng cho 200-300 nghề. Nó sẽ kết nối với thành tích học tập của học viên cả chính thức và bán chính thức. Bộ Giáo dục Thái Lan đã bắt đầu có thông tư hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành đặt dưới sự giám sát của họ nhằm thực hiện tám nhiệm vụ khẩn cấp theo yêu cầu đưa Thái Lan trở thành trung tâm giáo dục quốc tế trong khu vực ASEAN.

Thứ trưởng Giáo dục Thái Lan Puangpet Chunlaiad cho biết nhiệm vụ đầu tiên của Bộ là phát triển kỹ năng của sinh viên về tiếng Anh và ngôn ngữ của các nước láng giềng. Nhiệm vụ thứ hai là cung cấp cho sinh viên kiến thức về ASEAN ở mọi mức độ. Nhiệm vụ thứ ba là cải thiện hơn nữa chất lượng cũng như tiêu chuẩn giáo dục. Để thực hiện mục tiêu này, khung đánh giá tiêu chuẩn giáo dục sẽ phải thực hiện theo cách chuẩn bị cho sinh viên các tín chỉ có thể chuyển đổi được trong khu vực ASEAN.

Nhiệm vụ thứ tư là nghiên cứu chính sách giáo dục của các thành viên ASEAN khác, đặc biệt là về tiến trình tự do di chuyển của các lao động có tay nghề trong các lĩnh vực như kỹ sư cơ khí, kiến trúc, trắc địa, y tá, y khoa, nha khoa và dịch vụ tài chính.

Nhiệm vụ thứ năm là thành lập nhóm làm việc phối hợp ở các cấp thực hiện nhằm trao đổi thông tin và thiết lập mạng lưới kết nối với các nước ASEAN. Nhiệm vụ thứ sáu liên quan tới việc nới lỏng các quy định về visa để tạo điều kiện cho giáo viên cũng như sinh viên nước ngoài vào Thái Lan làm việc và học tập.

Nhiệm vụ thứ bảy là tuyên truyền nhằm quảng bá cho các thông tư hướng dẫn hoạt động của Bộ Giáo dục và nhiệm vụ thứ tám là thành lập nhóm chuyên trách để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể nảy sinh nhằm tránh sự trồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ./.

Hà Linh/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục