Nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng Nhân dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh việc nâng cao vai trò của các ban chuyên môn sẽ giúp nâng cao chất lượng của các HĐND.
Ngày 22/2, Hội nghị Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ 5 (nhiệm kỳ 2011- 2016) đã diễn ra tại Thái Bình.

Hội nghị có chủ đề “Mô hình tổ chức và hoạt động của các Ban Hội đồng Nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh."

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu đại diện cho Thường trực Hội đồng Nhân dân của 11 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh hội nghị này là điều kiện để các đại biểu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm công tác, bàn các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân.

Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng nội dung chủ đề của hội nghị này rất quan trọng và thiết thực đối với Hội đồng Nhân dân các tỉnh trong khu vực nói riêng và đối với các khu vực trong cả nước nói chung.

Thông qua hội nghị, nhiều vấn đề được trao đổi, làm rõ, qua đó sẽ góp phần củng cố, nâng cao vai trò, nhiệm vụ và chức năng tham mưu của các Ban Hội đồng Nhân dânn, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh, khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan đại biểu nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận biểu dương Hội đồng Nhân dân các tỉnh trong khu vực có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng qua hoạt động thực tiễn cũng cho thấy tổ chức và hoạt động của các Ban Hội đồng Nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong công tác phối hợp hoạt động, công tác giám sát, chất vấn hiệu quả chưa cao; chất lượng hiệu quả hoạt động của một số thành viên Ban Hội đồng Nhân dân còn thấp; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân còn có những bất cập trong cơ cấu, tổ chức, kinh phí...

Qua đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung phân tích làm rõ nguyên nhân để chủ động khắc phục và báo cáo, kiến nghị lên trên những bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp.

Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý, năm 2013 đặt ra một khối lượng công việc rất lớn và quan trọng đối với Quốc hội, Chính phủ và các địa phương. Trong năm nay, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Hiến pháp sửa đổi bản Hiến pháp 1992; đây cũng là năm Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lần đầu đối với người được Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu, phê chuẩn; nhiều dự án luật quan tọng, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua.

Vì vậy, hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, trong đó các hoạt động của các Ban Hội đồng Nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa nhằm đáp ứng mong mỏi của nhân dân, góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức mà đất nước, địa phương đang đối mặt.

Hiện nay, công tác lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tích cực chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đặc biệt là các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân; kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương ở những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường.

Bên cạnh đóHội đồng Nhân dân, các Ban củaHội đồng Nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh cần chủ động nắm bắt các ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh kịp thời với Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, góp phần phản ánh đầy đủ ý chí, nguyên vọng chính đáng của nhân dân, đồng thời tổ chức tốt công tác thông tin phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ cao do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đặc biệt, trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, trong tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban Hội đồng Nhân dân... Qua đó nâng cao niềm tin của người dân đối với cơ quan dân cử, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của mỗi địa phương và khu vực ngày càng ấm no, vững mạnh./.

Thanh Phú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục