Châu Á-TBD "tụt hậu" về số phụ nữ trong chính phủ

Trong một báo cáo mới đây, Liên hợp quốc kêu gọi khu vực châu Á-Thái Bình Dương nỗ lực thu hẹp khoảng cách về giới trong đời sống.
Trong báo cáo nhan đề “Phụ nữ thế giới năm 2010: Các xu hướng và các số liệu thống kê” được công bố đồng thời ở New York (Mỹ), Bangkok (Thái Lan) và Thượng Hải (Trung Quốc), Liên hợp quốc đã kêu gọi khu vực châu Á-Thái Bình Dương nỗ lực thu hẹp khoảng cách về giới trong đời sống công cộng mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong các nỗ lực đảm bảo bình đẳng nam nữ trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế và sự tham gia kinh tế của phụ nữ.

Báo cáo của Liên hợp quốc nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương vẫn tụt hậu so với nhiều khu vực khác trên thế giới về số lượng phụ nữ tham gia chính phủ, đặc biệt là ở cấp bộ trưởng khi chưa đầy 10% số bộ trưởng trong các chính phủ các nước ở khu vực này là phụ nữ.

Khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ trong khu vực đang ngày càng giãn rộng so với các nước phát triển và các nước Mỹ Latin. Thu nhập trung bình của phụ nữ châu Á-Thái Bình Dương trong công nghiệp chế tạo chưa bằng 70% thu nhập của nam giới trong cùng ngành.

Theo Giám đốc về phát triển xã hội của Ủy ban kinh tế xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương Nanda Krairiksh, những dữ liệu trong báo cáo của Liên hợp quốc là cơ sở để tăng cường hành động hơn nữa của khu vực trong việc thực hiện bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và cải thiện địa vị của phụ nữ.

Để thu hẹp khoảng cách về giới, các nước trong khu vực cần hiểu rõ hơn khoảng cách này và nguyên nhân khiến cho đến nay khoảng cách trên vẫn chưa được thu hẹp như mong muốn.

Bà Krairiksh nêu rõ, những dữ liệu mới của Liên hợp quốc có thể sử dụng như là công cụ mạnh mẽ để thay đổi xã hội và cho thấy nhu cầu khẩn cấp phải hành động trong toàn khu vực, đặc biệt về sức khỏe của các bà mẹ, vai trò và việc làm của phụ nữ trong các khu vực kinh tế phi nhà nước, cuộc sống của phụ nữ tàn tật…

Báo cáo về phụ nữ của Liên hợp quốc được công bố 5 năm một lần gồm những số liệu và phân tích về vị thế của phụ nữ và nam giới trên thế giới trong các lĩnh vực then chốt như dân số và gia đình, giáo dục, y tế, địa vị quyền lực và vai trò trong hoạch định chính sách, bạo hành phụ nữ, môi trường và nghèo đói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục