Kiến nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Khiếu nại

Sáng 29/10, thảo luận tại tổ về dự án Luật Khiếu nại, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này.
Sáng 29/10, thảo luận tại tổ về dự án Luật Khiếu nại, nhiều đại biểu kiến nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, không chỉ giới hạn việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà cần điều chỉnh cả việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức (không phải là cơ quan hành chính nhà nước) thuộc mọi lĩnh vực (trừ lĩnh vực tố tụng).

Các đại biểu cho rằng việc mở rộng như vậy, mới phù hợp với phạm vi quyền khiếu nại của công dân.

Cũng thảo luận về nội dung phạm vi điều chỉnh và đối tượng của dự luật, các đại biểu Chu Sơn Hà, Đặng Văn Khanh, Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đề nghị làm rõ hơn quy định tại khoản 2 Điều 4 về khiếu nại, giải quyết khiếu nại của đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng theo quy định của Luật.

Theo các đại biểu, tên luật là khiếu nại nhưng phạm vi điều chỉnh chỉ là cán bộ công chức, đối tượng phạm vi điều chỉnh không phù hợp với tên gọi của Luật. Vậy việc giải quyết khiếu nại của đối tượng viên chức sẽ được áp dụng theo Luật Khiếu nại hay Luật Viên chức? Mối quan hệ nội bộ giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với các đơn vị, viên chức thuộc quyền quản lý cũng có thể phát sinh những khiếu nại sẽ được giải quyết theo Luật nào?

Đại biểu Đặng Văn Khanh đề cập khoản 9 Điều 3 quy định hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước là không đúng. Đại biểu phân tích: hành vi là của con người, của cán bộ công chức, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính chứ không thể có hành vi của cơ quan hành chính được. Việc thể hiện của cơ quan nhà nước là văn bản, là quyết định hành chính. Quyết định hành chính sai sẽ phải khiếu nại quyết định hành chính chứ không thể coi đó là một hành vi của cơ quan nhà nước mà chỉ có hành vi của người thực hiện quyết định đó.

Đại biểu Khanh đề nghị xem lại khoản 1 Điều 9 về trình tự khiếu nại. Cho rằng cách cấu tứ, giải thích quá chung chung, khó hiểu, dễ nhầm lẫn, đại biểu đề nghị quy định rõ: tất cả các khiếu nại hành chính người dân có thể kiện ra tòa nhưng trừ khiếu nại trong lĩnh vực đất đai. Đại biểu Vũ Hồng Anh và Nguyễn Ngọc Đào cho rằng Luật được thiết kế cá thể hóa trách nhiệm trong khi các quyết định của các cơ quan hành chính đều là đại diện cho tập thể, quyết định theo đa số. Nếu Luật được ban hành sẽ gây rất khó khăn cho tòa án và gây thiệt thòi cho người dân.

Các đại biểu băn khoăn trường hợp người dân kiện một quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thay mặt Ủy ban Nhân dân tỉnh ký, thì kiện Ủy ban Nhân dân tỉnh hay kiện Chủ tịch? Nhiều đại biểu đề cập đến quy định thiếu thực tế tại khoản 5, Điều 10, “ trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn từng người viết đơn riêng để được giải quyết.”

Đại biểu Đặng Văn Khanh dẫn chứng Hà Nội làm đường vành đai 3 liên quan đến 75 hộ dân. Các hộ làm đơn khiếu nại tập thể, nay tách ra làm từng đơn riêng lẻ và đi kèm với nó sẽ là 75 quyết định là điều không hợp lý. Liệu đây có phải là việc làm cá thể hóa người khiếu nại không?

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Vũ Hồng Anh, Phạm Thị Ý Nhi (Hà Nội) nhìn nhận: khiếu nại đông người là một thực tế khách quan, cũng một nội dung khiếu nại nhưng bắt mỗi người dân làm riêng một đơn là không hợp lý, nên xem xét để một người đại diện đứng đơn. Nên chăng, Luật này cần thừa nhận việc khiếu nại đông người, tuy nhiên chỉ khoanh vào những vụ việc cùng một mục đích – đại biểu Vũ Quang Hải nói.

Cũng về nội dung này, đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) cho rằng, cơ quan soạn thảo nghiên cứu chưa kỹ về việc khiếu nại đông người. Đại biểu cũng chỉ rõ Luật chưa đặt ra việc Quyết định của Thủ tướng có được khiếu nại không và đề nghị nếu là quyết định hành chính thì cấp nào cũng phải sửa, quyết định cao nhất là của Thủ tướng cũng được khiếu nại.

Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng cần nghiên cứu kỹ cơ chế phán quyết tài phán, cần phải có tòa án hiến pháp, tất cả các quyết định hành chính của Thủ tướng phải thông qua tòa án hiến pháp giải quyết. Hình thành cơ chế tài phán để bảo vệ quyền, lợi ích cá nhân trước pháp luật, không nên đưa luật sư vào để bảo vệ cho cả nguyên đơn và bị đơn, người khiếu nại có quyền ủy quyền cho luật sư đại diện quyền lợi cho mình, còn bên bị khiếu nại là cơ quan hành chính, quyết định hành chính thì không nên đưa luật sư vào./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục