"Việt Nam đã nỗ lực giảm tác động của lạm phát"

Ông John Hendra cho rằng Nghị quyết 11 là một bước ngoặt không chỉ trong hoạch định chính sách mà còn trong tư duy chính sách.
Ngày 10/5 tại Hà Nội, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc đã gặp gỡ phóng viên báo chí để chia sẻ về các vấn đề phát triển ở Việt Nam sau năm năm công tác tại Việt Nam.

Ông John Hendra nhận định, giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với áp lực lạm phát nặng nề hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Tỷ lệ lạm phát vào tháng 4/2011 tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,3% so với tháng 3/2011 - mức cao nhất kể từ tháng 12/2008.

Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cao hơn so với các nền kinh tế ASEAN khác và thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Giá cả thực phẩm, mặt hàng tiêu dùng chủ đạo, nhà ở cùng với chi phí giao thông vận tải, năng lượng tăng nhanh là những nhân tố chính dẫn đến gia tăng lạm phát ở Việt Nam, cũng như ở các quốc gia khác trong khu vực.

Chia sẻ về giải pháp bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiện nay, ông John Hendra cho rằng Nghị quyết 11 của Chính phủ là một bước ngoặt không chỉ trong hoạch định chính sách mà còn trong tư duy chính sách.

Lần đầu tiên trong vòng nhiều năm qua, tăng trưởng không còn được coi là ưu tiên trước mắt nữa. Điều này thể hiện sự đồng thuận ngày càng cao đối với yêu cầu chuyển hướng trọng tâm từ "số lượng" sang "chất lượng" của tăng tưởng và phát triển.

Chính phủ rất chủ động, tích cực trong việc sử dụng các yếu tố lãi suất và sự mất giá tiền tệ nhằm giải quyết lạm phát. Tuy nhiên, các áp lực liên quan đến việc giảm tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ thấp và thâm hụt thương mại cao vẫn là những mối quan ngại lớn.

Ngành tài chính tiếp tục là một ngành có nguy cơ cao do tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao và tình trạng này cần được kiềm chế một cách cẩn trọng. Mục tiêu giảm tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% đáng được hoan nghênh, song cần đặt ra một chỉ tiêu thấp hơn và cụ thể hơn và cần đặt trọng tâm vào việc giảm tăng trưởng tín dụng ở các doanh nghiệp nhà nước chứ không phải ở khối doanh nghiệp tư nhân, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về giải pháp chính phủ cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách thường xuyên, ông Jonh Hendra nhấn mạnh cần làm sáng tỏ quyết định cắt giảm chi tiêu ngân sách thường xuyên sẽ nhằm vào những khu vực hay lĩnh vực nào. Một số chính sách giảm nghèo và trợ cấp xã hội được cấp kinh phí từ chi ngân sách thường xuyên, do đó việc cắt giảm ngân sách dành cho các chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến người nghèo.

Chính phủ cần đảm bảo tính hiệu quả hơn của đầu tư công và đây cần được coi là một vấn đề ưu tiên trước mắt. Xét ở khía cạnh này, cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc cắt giảm đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, đồng thời hỗ trợ nông nghiệp, xuất khẩu, các ngành công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là một dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, nếu thực hiện việc cắt giảm vốn đối với những khoản đầu tư không hiệu quả của nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ phải chứng kiến nhiều công nhân xây dựng bị mất việc làm.

Ông Jonh Hendra cảnh báo người nghèo đô thị là đối tượng chịu tác động trực tiếp của lạm phát, đặc biệt là lao động di cư nghèo, cựu công chức đang hưởng lương hưu và những người có thu nhập thấp. Họ gặp rất nhiều khó khăn trước tình hình giá cả thực phẩm cùng với chi phí điện và nhiên liệu tăng cao.

Quyết định cắt giảm dần trợ cấp cho ngành năng lượng tại Nghị quyết 11 sẽ chỉ làm trầm trọng hơn tình trạng này. Đối với người nghèo ở nông thôn, họ cũng chịu ảnh hưởng của giá cả tăng cao. Một số người có thể phải tìm cách kiếm thêm nhu nhập để đảm bảo chi phí cơ bản cho thực phẩm.

Về lâu dài, lạm phát có khả năng sẽ khiến cho nhiều hộ gia đình quay trở lại tình trạng nghèo. Các nghiên cứu về tác động của lạm phát cao trong năm 2008, khi tỷ lệ lạm phát tăng cao đến 19,9%, cho thấy tỷ lệ nghèo đã tăng thêm 2,1%. Tỷ lệ nghèo giảm chậm trong các năm 2008-2009 (chỉ giảm được 1,5%) so với 3,5% trong các năm 2004-2006 và 19,5% trong các năm 2002-2004.

Nếu tiếp tục chứng kiến lạm phát kéo dài và tốc độ tăng trưởng thấp hơn thì Việt Nam cũng sẽ có nhiều khả năng phải đối mặt lần nữa với tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao như đã từng xảy ra tại cuộc khủng hoảng tài chính gần đây.

Các sáng kiến như, Chính phủ trợ cấp cho người nghèo nhằm trang trải chi phí điện sinh hoạt là rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên các sáng kiến này có thể không đến được với những đối tượng cần được hỗ trợ nhất, bởi vì người di cư nghèo không có đăng ký nhân khẩu thường trú, do đó không thuộc diện được hưởng lợi ích này.

Liên hợp quốc cũng quan ngại rằng bảo hiểm thất nghiệp có thể không đem lại lợi ích cho những đối tượng cần nhất, giống như khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, các chủ lao động đã không thể trả được trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Để giúp Chính phủ theo dõi chặt chẽ các tác động với người nghèo, trong đó có những người lao động trong những ngành nghề dễ bị tác động nhất, ông Jonh Hendra cho biết Tổng cục Thống kê đã tiến hành các cuộc khảo sát lực lượng lao động.

Liên hợp quốc đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác giám sát đánh giá nhanh tác động của khủng hoảng kinh tế trong 2 năm vừa qua, do Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Khoa học Xã hội) thực hiện. Công tác này sẽ được tiếp tục tiến hành trong những tháng tới, qua đó cung cấp cho chúng ta những dữ liệu quan trọng mới về các tác động xã hội của tình trạng lạm phát kéo dài hiện tại.

Các Chương trình giảm nghèo và bảo trợ xã hội cũng đóng vai trò rất quan trọng. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây cho thấy việc có một hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện là yếu tố thiết yếu để có thể thực hiện bảo trợ xã hội và hỗ trợ kịp thời cho người nghèo.

Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần đảm bảo những sự thiếu hụt và chồng chéo trong các chương trình này, sao cho một hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện sẽ đến được với tất cả những ai cần nó./.
 
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục