Sông bị kiềm hóa ảnh hưởng nặng nguồn nước ở Mỹ

Hoạt động sinh hoạt của con người đang làm thay đổi tính chất hóa học nguồn nước ở rất nhiều con sông thuộc miền Đông của nước Mỹ.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đăng tải ngày 27/8 cho thấy các hoạt động sinh hoạt của con người đang làm thay đổi tính chất hóa học nguồn nước ở rất nhiều con sông thuộc miền Đông nước Mỹ. Điều này đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn nước đô thị và hệ sinh thái môi trường nước tại đây.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Maryland và các viện nghiên cứu khác tại Mỹ đã theo dõi các chỉ số về nồng độ kiềm của 97 con sông từ bang Florida đến bang New Hampshire nước này trong khoảng thời gian từ 25-60 năm qua và thấy rằng 2/3 các con sông trên đang ngày càng bị kiềm hóa đáng kể.

Trong số sông bị kiềm hóa có những con sông đang cung cấp nước cho các thành phố lớn như Washington D.C, Philadelphia, Baltimore và Atlanta.

Sự kiềm hóa tăng cao khiến quá trình xử lý nước uống và nước thải trở nên phức tạp, kích thích tảo phát triển và có thể thúc đẩy quá trình mòn gỉ hệ thống ống dẫn nước bằng kim loại.

Ở mức độ kiềm hóa cao, độ độc ammoniac cũng có thể gây hại tới các loại cây nông sản cần nước tưới và các con sông khác.

Như một nghích lý, không phải thiên nhiên mà chính các hoạt động của con người đang tạo ra môi trường axit khi đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch. Những cơn mưa axít, chất thải khai mỏ chứa axít, các loại phân bón nông nghiệp khiến đá vôi, các loại đá cacbonat, thậm chí là cả bê tông và ximăng tan vỡ nhanh hơn.

Kết quả là các phân tử kiềm hủy hoại dần cảnh quan và trôi vào hệ thống sông suối, khiến nguồn nước sinh hoạt của con người bị ô nhiễm

Ông Gene Likens, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Connecticut và Viện nghiên cứu Hệ sinh thái Cary (Mỹ) đã miêu tả nghiên cứu này như một ví dụ điển hình khác về các tác động tiêu cực của con người lên hệ sinh thái tự nhiên, nơi chính con người đang sinh sống./.

Thạch Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục