Hội thảo về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự

62 đoàn luật sư, nhiều thẩm phán, kiểm sát viên cao cấp và các chuyên gia luật dự hội thảo Quyền bào chữa trong tố tụng hình sự.
Quyền của luật sư trong giai đoạn điều tra; vấn đề tiếp xúc trao đổi giữa luật sư với người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo là chủ đề được bàn thảo sôi nổi và gay gắt nhất tại Hội thảo Quyền bào chữa trong tố tụng hình sự.

Hội thảo do Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức ngày 2-3/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

62 đoàn luật sư, nhiều thẩm phán, kiểm sát viên cao cấp cũng như các chuyên gia luật trong nước đã tham dự hội thảo.

Theo luật sư Nicholas Booth, Cố vấn chính sách về Pháp quyền và tiếp cận công lý UNDP, bên cạnh những tiến bộ, nhiều quy định phù hợp với quốc tế thì pháp luật tố tụng hình sự việt Nam vẫn còn một số vướng mắc mà biểu hiện cụ thể là việc thực hiện quyền bào chữa của luật sư.

Luật sư Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam có nhiều quy định rộng hơn, chi tiết hơn quốc tế nhưng hiện vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan tố tụng ngăn cản quyền bào chữa của luật sự, nhất là trong giai đoạn điều tra. Đó là một trong những yếu tố khiến cho nền tố tụng hình sự Việt Nam đang đi theo một chu trình ngược: khởi tố bị can, bắt tạm giam rồi sau đó mới đi thu thập tài liệu buộc tội.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn còn phổ biến tình trạng chậm trễ việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, không đảm bảo thời hạn ba ngày như pháp luật quy định. Một số cơ quan điều tra thường có văn bản trả lời về việc bị can từ chối luật sư nhưng chính luật sư lại chưa được tiếp xúc với bị can đó. Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam chưa cho phép trong giai đoạn điều tra, người bào chữa được phép tiếp xúc riêng với bị can mà không có sự giám sát của điều tra viên.

Luật sư Hoài kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, theo đó chỉ cần luật sư xuất trình yêu cầu của nhân thân bị can, thẻ luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư là có thể được chấp thuận tư cách người bào chữa. Cần cho phép luật sư tiếp xúc riêng với bị can, bị cáo dưới sự kiểm sát tầm nhìn của điều tra viên; những thông tin, trao đổi giữa luật sư với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không được coi là những chứng cứ chống lại họ, trừ trường hợp những thông tin này liên quan đến một tội phạm đang xảy ra hoặc được dự tính sẽ xảy ra.

Cùng quan điểm này, theo luật sư Trần Mỹ Thoa - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, trên thực tế nếu luật sư được tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra thì cũng chỉ làm công việc gặp gỡ để hỏi han sức khỏe, động viên tinh thần bị can, bị cáo. Biên bản hỏi cung bị can thể hiện luật sư được hỏi và được ghi chép đầy đủ hiếm được thể hiện trong hồ sơ vụ án. Người bào chữa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ, không được photocopy tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn điều tra.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Trưởng nhóm nghiên cứu UNDP Việt Nam cho biết, hầu hết luật sư đều chưa được cấp giấy chứng nhận bào chữa trong giai đoạn điều tra, trước khi có quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Họ có thể được gặp gỡ người bị tạm giữ hoàn toàn dựa trên mối quan hệ cá nhân và sự tin tưởng của cơ quan điều tra.

Thạc sỹ Lương Thị Mỹ Quỳnh, Giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Nền tố tụng hình sự Việt Nam cần theo hướng mô hình pha trộn, tăng cường tính tranh tụng. Có như vậy mới thể hiện được tinh thần cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005.

Cùng với nhiệm vụ kiểm soát tội phạm, trừng trị, răn đe thì nền tố tụng hình sự Việt Nam cũng cần thực hiện nhiệm vụ giáo dục, phòng ngừa tội phạm chung và bảo đảm quyền con người./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục