Iran ngừng đàm phán

Iran ngừng đàm phán với phương Tây về hạt nhân

Ngày 1/12, Tổng thống Iran Ahmadinejad khẳng định Iran sẽ không tiến hành đàm phán với các cường quốc về vấn đề hạt nhân nữa.
Một ngày sau khi dọa rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), Iran tuyên bố chấm dứt đàm phán với phương Tây và xem xét việc hạn chế hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân của nước này.

Phát biểu trên truyền hình ngày 1/12, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nói: "Chúng tôi sẽ không tiến hành đàm phán với các cường quốc về vấn đề hạt nhân nữa. Đàm phán giờ đây không còn cần thiết."

Ông Ahmadinejad còn cho rằng bàn chuyện cô lập Tehran là một cuộc chiến tâm lý do phương Tây phát động. Các cường quốc sẽ thất bại trong việc cô lập Iran và trừng phạt sẽ không có tác dụng.

Ông Ahmadinejad cũng nhấn mạnh rằng Tehran không cần phải thông báo với IAEA về kế hoạch xây dựng cơ sở hạt nhân, trừ phi nước này sử dụng công nghệ nhập khẩu.

Tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larigiani đã ám chỉ đến việc giảm bớt sự hợp tác với IAEA. Nếu điều đó xảy ra, căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran sẽ lập tức leo thang. Tổng thống Ahmadinejad cho rằng theo luật quốc tế, Tehran có thể ngăn cản các thanh sát viên quốc tế tiếp cận công nghệ trong nước.

Liên quan đến vấn đề này, Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm ủng hộ biện pháp ngoại giao nhằm xoa dịu những lo ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: "Trừng phạt không phải là mục tiêu, chúng ta vẫn nên ưu tiên giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và thương lượng. Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của IAEA là nhằm thúc đẩy đàm phán."

Phản ứng về việc Nga và Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của IAEA, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast ngày 1/12 khẳng định: "Không có gì thay đổi trong mối quan hệ chiến lược với hai nước Nga và Trung Quốc, nhưng Iran vẫn bày tỏ sự thất vọng đối với họ."

Còn Tổng thống Ahmadinejad thì cho rằng Nga đã "mắc sai lầm" khi bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của IAEA.

Nga và Trung Quốc là hai nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, lâu nay luôn phản đối trừng phạt Iran.

Theo một nguồn tin ngoại giao, Mátxcơva có thể không ngăn cản các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran nếu những biện pháp đó được cộng đồng quốc tế nhất trí. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Mátxcơva, do Iran không xoa dịu được quan ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này.

Nguồn tin nêu rõ: "Chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt... Nếu đạt được sự đồng thuận, chúng tôi sẽ không đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, Mátxcơva không muốn làm phức tạp hơn nữa tình hình hiện nay bằng những đe dọa đối với Tehran."

Theo nguồn tin trên, kế hoạch xây mới 10 nhà máy làm giàu urani không mang lại bầu không khí lạc quan cho các cuộc đàm phán và Mátxcơva mong muốn Iran hợp tác một cách cởi mở và nhất quán với IAEA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục