Thủ tướng Anh tới Pakistan để hàn gắn bất đồng

Thủ tướng Anh Cameron đã có chuyến công du một ngày tới Pakistan nhằm hàn gắn vết rạn nứt trong quan hệ chính trị giữa hai nước.
Ngày 5/4, Thủ tướng Anh David Cameron đã có chuyến công du một ngày tới Pakistan nhằm hàn gắn vết rạn nứt trong quan hệ chính trị giữa hai nước, đồng thời kêu gọi Pakistan tăng cường hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố.

Tháp tùng ông Cameron trong chuyến thăm này là các quan chức an ninh và quốc phòng cao cấp của Anh. Ông Cameron đã có các cuộc gặp với Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari và Thủ tướng Yusuf Raza Gilani.

Phát biểu tại Islamabad, ông Cameron kêu gọi mở một chương mới trong quan hệ giữa Anh và Pakistan sau chín tháng quan hệ hai nước gần như đóng băng, bởi Anh cáo buộc rằng Pakistan chơi trò "hai mặt" trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố.

Khẳng định muốn làm "sâu sắc hơn mối quan hệ không gì có thể phá vỡ" giữa hai nước, ông Cameron đã đề nghị viện trợ 650 triệu bảng để Pakistan phát triển giáo dục, đổi lại Pakistan sẽ tăng cường hợp tác an ninh tình báo với Anh.

Anh và Pakistan thống nhất thành lập trung tâm huấn luyện hỗn hợp, nhằm trao đổi kiến thức về cách đối phó với thiết bị nổ ngẫu nhiên và các vũ khí mà lực lượng khủng bố sử dụng tại Pakistan và Afghanistan.

Quan hệ Anh-Pakistan đã trong tình trạng căng thẳng suốt chín tháng qua, sau tuyên bố hồi tháng 6/2010 khi tới thăm Ấn Độ của Thủ tướng Cameron rằng một số thành viên trong Chính phủ Pakistan hỗ trợ việc "xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố." Pakistan sau đó đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối và quyết định hủy chuyến thăm Anh của các quan chức an ninh nước này hồi tháng 7/2010.

Giới phân tích nhận định chuyến thăm của ông Cameron lần này cũng nhằm để trấn an Pakistan - đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

Một tín hiệu đáng mừng đối với Anh trong chuyến thăm này là khẳng định từ phía Pakistan rằng nước này sẽ thúc đẩy vai trò chính trị của mình tại Afghanistan, nơi có 9.500 binh sỹ Anh đang tham chiến, đồng thời sẽ xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn với nước láng giềng Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục