Lãnh đạo thế giới kêu gọi định hình thế giới mới

Tại phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo nhiều nước đã kêu gọi định hình một thế giới mới cho tương lai.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 21/9, tại phiên thảo luận chung cấp cao đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 với phát biểu của hơn 30 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi định hình một thế giới mới cho tương lai.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66, ông Nassir Abdulaziz Al-Nasser, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu để đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và phẩm giá cho mọi công dân của Trái Đất cũng như đảm bảo những thay đổi đang diễn ra trên toàn cầu hướng tới các nền dân chủ ổn định, tăng trưởng và phát triển, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Ông Al-Nasser cho rằng để giải quyết thành công các vấn đề chủ chốt trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 cần tăng cường ý chí chính trị và sự đồng thuận, đối thoại cởi mở, hợp tác chặt chẽ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lưu ý cộng đồng thế giới đương đại đang đứng trước 5 lựa chọn phải quyết định về các vấn đề toàn cầu cấp thiết xuyên thế hệ để định hình thế giới mới nhằm đảm bảo cuộc sống cho các thế hệ tương lai.

Các lựa chọn này bao gồm phát triển bền vững; ngăn ngừa và làm dịu xung đột, chống lạm dụng quyền con người và tác động của các thiên tai; xây dựng thế giới an toàn và an ninh hơn; hỗ trợ các nước đang chuyển đổi; phát huy năng lực của phụ nữ và thanh niên, trong đó lựa chọn quan trọng và cấp thiết nhất trong thế kỷ 21 là phát triển bền vững. Thực hiện thành công lựa chọn quan trọng này đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, thiếu năng lượng, y tế toàn cầu, an ninh lương thực và trao quyền cho phụ nữ. Giải pháp cho một vấn đề phải là giải pháp cho tất cả.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thoả thuận một hiệp ước ràng buộc về chống biến đổi khí hậu, đồng thời hành động khẩn cấp để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông nhấn mạnh xây dựng một thế giới an toàn và an ninh hơn là trách nhiệm cốt lõi của Liên hợp quốc.

Theo Tổng Thư ký Ban Ki-moon, Liên hợp quốc ngày nay đã có khả năng phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn so với trước đây và hơn bao giờ hết, Liên hợp quốc vẫn là “tổ chức đầu tiên đáp ứng các tình trạng khẩn cấp của thế giới.”

Để Liên hợp quốc phản ứng hiệu quả đối với các thách thức mà nhân loại đang đối mặt, đoàn kết được coi là nhân tố sống còn, đặc biệt trong các lĩnh vực nguồn lực. Đầu tư thông qua Liên hợp quốc là chính sách thông minh và các nước cần chia sẻ gánh nặng. Tuy nhiên, trách nhiệm và sự minh bạch luôn phải là phương châm hành động của Liên hợp quốc.

Tổng thống Mỹ, Barak Obama cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hoà bình thế giới. Ông cho rằng thế giới đương đại đang đứng trước khúc quanh của lịch sử với những cơ hội hành động quyết định và thống nhất sức mạnh để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, cảnh báo trừ phi các chính phủ trên thế giới cùng hành động khẩn cấp để xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước có thể bị chia rẽ chính trị và xã hội nghiêm trọng. Điều này có thể gây mất cân bằng nghiêm trọng trong quan hệ giữa các nước và các dân tộc.

Nhà lãnh đạo Brazil cũng nhấn mạnh thế giới đang thiếu các nguồn lực chính trị và những ý tưởng rõ ràng để vượt qua cuộc khủng hoảng này. Vì thế, cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng tìm ra các giải pháp thực tế, tập thể vì tính chất quá nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng không thể được xử lý chỉ bởi một nhóm nước như Các nền kinh tế mới nổi và phát triển (G-20). Các thể chế tài chính đa phương cần được cải tổ để các nền kinh tế mới nổi có thể tham gia lớn hơn vào quá trình hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu.

Trong ngày thảo luận chung cấp cao đầu tiên, nỗ lực của chính quyền Palestine trở thành thành viên của Liên hợp quốc và vấn đề Libya cũng đã trở thành trọng tâm của cuộc thảo luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục