Hà Nội xử lý hơn 100 vi phạm liên quan người đi bộ

Sau 2 ngày Hưởng ứng Tuần lễ An toàn đường bộ, các Đội Cảnh sát giao thông đã xử lý tới 122 trường hợp vi phạm đối với người đi bộ.
Hưởng ứng ứng Tuần lễ An toàn đường bộ lấn thứ 2 của Ủy ban An toàn giao thông phát động, theo đại diện Đội Tuyên truyền và Khám nghiệm (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố Hà Nội), sau 2 ngày thực hiện kế hoạch, các Đội Cảnh sát giao thông đã xử lý tới 122 trường hợp cố tình vi phạm đối với người đi bộ và trường hợp người điều khiển xe cơ giới không chấp hành quy định nhường đường cho người đi bộ.

Cụ thể, qua phân tích các “lỗi” cho thấy, người bộ hành vi phạm 36 trường hợp chủ yếu đi sai phần đường, vi phạm vạch sơn, vượt đèn đỏ; xe máy vi phạm 86 trường hợp. Trong số vi phạm kể trên, có 1 phương tiện và 35 bộ giấy tờ bị tạm giữ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Nghị định 71 quy định, hành vi đi bộ không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 60.000-120.000 đồng. Mức xử phạt này là không cao. Người đi bộ với hành vi sang đường không đúng nơi quy định không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện khác.

“Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra khi các phương tiện tránh người đi bộ,” ông Hiệp khẳng định.

[Phát động đảm bảo an toàn giao thông người đi bộ]

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng nhìn nhận, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 20 cây cầu vượt dành cho người đi bộ. Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng thêm một số cây cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường và lực lượng Cảnh sát giao thông đã chốt ở ít nhất 20 điểm có cầu vượt để làm thí điểm xử lý vi phạm.

Ngoài ra, ông Hiệp cũng thẳng thắn thừa nhận, hạ tầng cho người đi bộ không chỉ có cầu vượt mà còn phải có vạch sơn kẻ đường, và vỉa hè… Tuy nhiên, tại các tuyến phố, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán cũng đang gây khó khăn cho những người đi bộ.

Để tạo điều kiện cho người đi bộ, ông Hiệp cho rằng, ngành Giao thông Vận tải sẽ cố gắng dành hạ tầng tốt nhất cho người đi bộ. Ở các thành phố, đô thị lớn sẽ cố gắng dành lại vỉa hè cho người đi bộ. Bên cạnh đó, các biển báo, vạch kẻ đường cũng sẽ được rà soát lại…

“Song song với biện pháp trên, các lực lượng chức năng sẽ có chiến dịch ‘nhắc nhở’, tạo thói quen cho người tham gia giao thông nhường đường cho người đi bộ đồng thời vận động người sang đường đi bộ đúng nơi quy định,” ông Hiệp cho hay./.

Điều 46, Nghị định 71 quy định phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người đi bộ vi phạm: Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ vi phạm: Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

Theo nghị định 34, ngoài khu vực thí điểm nội thành, mức xử phạt từ 60.000-80.000 đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với trường hợp người đi bộ đi vào đường cao tốc.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục