BOJ có thể nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ

BOJ sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế nếu những nguy cơ đối với tăng trưởng trở nên rõ ràng hơn.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Masaaki Shirakawa khẳng định BOJ sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế nếu những nguy cơ đối với tăng trưởng trở nên rõ ràng hơn.

Phát biểu trước cuộc họp của Ủy ban Tài chính Hạ viện, ông Shirakawa nói rằng BOJ sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung khi những nguy cơ kéo nền kinh tế đi xuống trở nên rõ ràng hơn.

Việc BOJ không có hành động trong ngày 7/9 đã phần nào "tiếp sức" cho đồng yen leo lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua so với đồng USD trên các thị trường tiền tệ nước ngoài.

BOJ sẽ giám sát chặt chẽ triển vọng của nền kinh tế đất nước, trong đó có cả ảnh hưởng từ tỷ giá hối đoái, và sẽ có phản ứng cần thiết.

Theo ông Shirakawa, kinh tế Nhật tiếp tục phục hồi ở mức khiêm tốn, nhưng vẫn cần theo dõi sát sao những nguy cơ kéo nền kinh tế đi xuống trong tương lai.

Ngày 7/9, BOJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,1%, động thái gây thất vọng cho giới đầu tư, những người kỳ vọng vào chính sách nới lỏng tiền tệ hơn nữa như BOJ đã từng làm trong cuộc họp khẩn cấp cuối tháng trước.

Khi được hỏi về khả năng thực hiện các biện pháp tiếp theo ông Shirakawa chỉ nói thêm BoJ sẽ “xem xét một cách thận trọng triển vọng của nền kinh tế và tình hình giá cả” và nếu cần “sẽ có các biện pháp chính sách kịp thời và thích hợp.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda cho rằng hành động can thiệp vào thị trường là một sự lựa chọn khi Chính phủ phải ghìm giá đồng yen.

Ông Noda nhấn mạnh Chính phủ sẽ có hành động quyết định, kể cả can thiệp vào thị trường, khi thấy cần thiết.

Các số liệu công bố mới nhất cho thấy thực trạng nền kinh tế không đến nỗi bi quan như tiên lượng.

Theo Bộ Tài chính Nhật, tính đến cuối tháng Tám dự trữ ngoại hối của nước này đã tăng 6,63 tỷ USD lên 1.070,15 tỷ USD. Đây là mức cao thứ hai trong lịch sử và là tháng thứ ba liên tiếp, dự trữ ngoại hối tăng.

Nguyên nhân chủ yếu khiến dự trữ ngoại hối của Nhật Bản tăng là do lãi suất ở các nền kinh tế chủ chốt khác giảm khiến giá trị thị trường của các trái phiếu Chính phủ nước ngoài do Nhật Bản nắm giữ tăng.
 
Bên cạnh đó, hiện tượng các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng khiến cho giá kim loại quý này tăng cũng là nguyên nhân dẫn tới dự trữ ngoại hối của Nhật Bản tăng.

Văn phòng Nội các Nhật cho biết số đơn đặt hàng máy móc của khu vực tư nhân đã tăng 8,8% trong tháng Bảy, tháng tăng thứ hai liên tiếp. Nhưng sự tăng giá của đồng yen có thể gây sức ép lên chi tiêu vốn của các doanh nghiệp trong tương lai.

Thặng dư tài khoản vãng lai trong cùng tháng cũng tăng 26,1% lên 1.675,9 tỷ yen, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong ba tháng qua nhờ kim ngạch xuất khẩu sang các nền kinh tế châu Á tăng mạnh./.

Tùng-Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục