Virus MERS-CoV chưa gây ra "tình trạng khẩn cấp"

Ủy ban khẩn cấp của WHO chuyên theo dõi và đánh giá về diễn biến của MERS-CoV, kết luận chủng virus này chưa thể trở thành PHEIC.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/9 tái khẳng định với những diễn biến hiện nay, chưa thể kết luận rằng chủng virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) tạo ra Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần được sự quan tâm của quốc tế (PHEIC).

Sau cuộc họp trực tuyến lần thứ ba, Ủy ban khẩn cấp của WHO chuyên theo dõi và đánh giá về diễn biến của MERS-CoV, đã đưa ra kết luận chủng virus gây chết người này chưa thể trở thành PHEIC.

Theo WHO, những thông tin mới nhất do các chuyên gia WHO và một số nước có bệnh nhân nhiễm MERS-CoV tử vong cung cấp, đều cho thấy chưa có lý do gì để thay đổi thông báo về thực trạng dịch.

Phát biểu sau cuộc họp báo về sự kiện trên, trợ lý tổng giám đốc WHO phụ trách về sức khỏe và môi trường, ông Keiji Fukuda, khẳng định dịch bệnh chưa lan rộng đến mức cao trào và các mẫu xét nghiệm dịch tễ học về chủng virus này cho thấy 1/3 số người nhiễm chỉ xuất hiện trong một số cộng đồng và chưa rõ nguyên nhân; 2/3 còn lại là những người đều chỉ nhiễm các triệu chứng nhẹ.

Mặc dù có biểu hiện lây từ người sang người, song sự truyền nhiễm của MERS-CoV lại rất hạn chế và chỉ xảy ra ở các môi trường như trong bệnh viện, trong gia đình hoặc đôi khi là một nhóm người. Ông Keiji Fukuda nhấn mạnh rằng cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của chủng virus có các triệu chứng như cúm này.

WHO cho biết sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin cập nhật đến các nước thành viên để thông báo về nguy cơ cũng như những đột biến có thể xảy ra. Theo kế hoạch, Ủy ban khẩn cấp theo dõi về MERS-CoV của WHO sẽ nhóm họp lại vào cuối tháng 11 tới, tuy nhiên cuộc họp có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào nếu xuất hiện diễn biến nguy hiểm mới.

Virus MERS-CoV được coi là "họ hàng" của virút SARS, loại virus từng gây dịch bệnh ở châu Á năm 2003 với 8.273 ca lây nhiễm và tỷ lệ tử vong là 9%. Giống như SARS, virus MERS-CoV cũng gây các triệu chứng cúm và được cho là có thể truyền từ động vật sang người.

Tuy nhiên, Giáo sư Ali Zumla (A-li Dum-la), thuộc Khoa bệnh truyền nhiễm của Viện Sanger và Đại học London (UCL) ở Anh, người chủ trì nghiên cứu về chủng virus MERS-CoV, cho biết kể từ khi phát hiện ra MERS -CoV hơn một năm trước đây, hai sự kiện lớn thu hút trên 8 triệu người đã diễn ra tại thánh địa Mecca, Saudi Arabia - gồm lễ hội hành hương hàng năm vào tháng 10/2012 và tháng lễ Ramadan tháng 7/2013, nhưng đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào mắc MERS-CoV.

Theo ông, nguy cơ lây lan rộng là rất nhỏ và với những phát hiện hữu ích về gien, giới y học thế giới hy vọng có thể kiểm soát được nguy cơ đại dịch.

Tính đến đầu tháng này, WHO xác nhận 52 trường hợp tử vong, xấp xỉ 50% số người nhiễm bệnh trên toàn cầu (110 trường hợp). Căn bệnh này hiện hoành hành mạnh nhất ở Saudi Arabia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục