Trung Á kiềm chế đà leo thang của giá lương thực

WB nhận định tình hình giá lương thực leo thang tại Trung Á có thể dẫn đến những xáo trộn xã hội và chính trị ở khắp khu vực này.
Các nước Trung Á đang cố gắng kiềm chế đà leo thang của giá lương thực nhằm tránh những rối loạn xã hội giống như ở Tunisia và Ai Cập.

Cho tới nay, khu vực Trung Á vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn lương thực nhập khẩu nên bị tác động nặng nề của việc tăng giá trên thị trường thế giới.

Theo Tổ chức Lương-Nông Liên hiệp quốc (FAO), giá lương thực thế giới trong tháng Một vừa qua đã tăng lên đến mức kỷ lục và xu hướng này có thể còn tiếp diễn.

Hồi đầu tuần này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đã báo động: “Trung Á là khu vực có giá lương thực tăng đáng kể. Với mức độ nghèo khó như hiện nay, người dân phải dành phần lớn ngân sách gia đình, từ 50% trở lên, để mua lương thực.”

Lãnh đạo WB cũng nhấn mạnh rằng, do khủng hoảng toàn cầu, các nước như Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan đang gặp tình trạng là lượng kiều hối do hàng trăm nghìn người lao động xuất khẩu, đặc biệt là từ Nga và Kazakhstan gửi về đã giảm đi rất nhiều.

Ông Zoellick cho rằng tình hình này có thể dẫn đến những xáo trộn xã hội và chính trị ở khắp Trung Á.

Riêng tại Tajikistan, tình hình nghiêm trọng hơn cả. Một bao bột 50kg vào cuối tháng 12 năm ngoái giá chỉ khoảng từ 20-22 USD, nay đã tăng vọt lên từ 27 đến 32 USD, trong khi lương trung bình ở nước này chỉ vào khoảng 70 USD/tháng và bánh mì là lương thực chủ yếu của người dân Tajikistan.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon, cầm quyền từ năm 1992 đến nay, trong tuần qua đã kêu gọi mỗi gia đình phải tích trữ lương thực cho hai năm.

Để chặn đứng đà leo thang của giá lương thực, chính quyền Tajikistan vào cuối tuần trước đã tổ chức bán các nhu yếu phẩm với giá bù lỗ cho người dân tại thủ đô Dushanbe và các thành phố chính.

Chính phủ các nước khác ở Trung Á cũng can thiệp để kiềm chế lạm phát, chẳng hạn như tại Uzbekistan, chính quyền thường xuyên thanh tra các chợ, ấn định mức giá tối đa và tăng lương cho công nhân viên.

Tại Kyrgyzstan, quốc gia Trung Á duy nhất là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, chính phủ có thể can thiệp vào thị trường nếu giá tăng đột ngột hơn 10%.

Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Omurbek Babanov gần đây đã tuyên bố rằng: “Bình ổn giá các mặt hàng lương thực chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ.”

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo giá cả leo thang có thể dẫn đến rối loạn ngay từ mùa Xuân năm nay tại Kyrgyzstan, quốc gia Trung Á vừa phải trải qua những biến động chính trị lớn hồi đầu năm ngoái, mà đỉnh điểm là cuộc lật đổ Tổng thống Kurmanbek Bakiyev.

Mặc dù tình hình giá cả leo thang một phần là do thị trường thế giới, nhưng ở Kyrgyzstan, mức tăng lại nhanh gấp năm lần so với các nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục