Làn sóng biểu tình phản đối bạo lực ở CHDC Congo

Hàng nghìn người đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình trên khắp Cộng hòa Dân chủ Congo để kêu gọi chấm dứt bạo lực.
Ngày 1/8, hàng nghìn người đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình trên khắp Cộng hòa Dân chủ Congo để kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực ở miền Đông nước này, nơi quân đội chính phủ và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (MONUSCO) đang nỗ lực ngăn chặn hoạt động của phe nổi dậy.

Tại thủ đô Kinshasa, nơi diễn ra cuộc biểu tình lớn nhất trên cả nước, dòng người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ kêu gọi hòa bình ở miền Đông và sự thống nhất ở đất nước rộng lớn này. Các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng đã diễn ra tại nhiều thành phố trên cả nước gồm Lubumbashi, Bukavu và Nam Kivu. Riêng kế hoạch biểu tình ở Goma, thủ phủ tỉnh Bắc Kivu ở miền Đông Cộng hoà Dân chủ Congo, đã bị hủy bỏ vì lý do an ninh.

Cuộc nổi dậy kéo dài hơn bốn tháng qua của nhóm phiến quân nổi loạn, được gọi là M23, đã buộc 470.000 người ở Bắc Kivu, tỉnh giàu khoáng sản ở miền Đông Cộng hoà Dân chủ Congo và nằm sát biên giới chung với Uganda và Rwanda, phải đi lánh nạn. Đầu tháng Bảy vừa qua, M23 tuyên bố đã giành quyền kiểm soát nhiều thị trấn, trong đó có vị trí chiến lược Rutshuru tại tỉnh Bắc Kivu.

Theo một thông báo công bố ngày 31/7, xung đột giữa lực lượng M23 và quân đội chính phủ ở tỉnh Bắc Kivu những ngày vừa qua đã làm hai người chết, gần 70 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, và hàng nghìn người phải đi sơ tán.

Trước đó, M23 đã chiếm thị trấn trung chuyển khoáng sản Bunugana gần biên giới với Uganda. Giao tranh dữ dội khiến 600 binh sỹ quân đội Cộng hoà Dân chủ Congo phải chạy sang lãnh thổ Uganda, đồng thời làm một lính gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc người Ấn Độ thiệt mạng.

M23, nhóm nổi loạn nguyên là quân đội người Tutsi sáp nhập vào quân đội Cộng hoà dân chủ Congo từ năm 2009 nhưng đầu năm nay đã đào ngũ với lý do bất đồng về lương bổng và các điều kiện sinh hoạt. Nhóm nổi loạn cũng đã đặt ra các điều kiện với Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Congo như người tị nạn Congo ở Rwanda được hồi hương, thúc đẩy dân chủ cũng như xác nhận vị trí cấp bậc mà các thành viên M23 từng giữ trong quân đội Cộng hoà Dân chủ Congo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục