Tăng chất lượng, an toàn của các dịch vụ y tế

Để bảo đảm chất lượng, sự an toàn, một số bệnh viện đã tiến hành đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, cải thiện cơ sở vật chất.
Ngày 18/7, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) đã phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Dự án "Tăng cường vệ sinh bệnh viện" năm 2008.

Phát biểu tại hội nghị, Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh cho biết, năm 2008, Dự án được triển khai tại 9 bệnh viện với tổng kinh phí đầu tư là 3 tỷ đồng.

Dự án đã đào tạo, tập huấn cho 37 giảng viên, 37 giám sát và 400 hộ lý, công nhân vệ sinh về kiến thức và kỹ năng thực hành bệnh viện; lắp đặt 120 bồn rửa tay tiêu chuẩn mới với đầy đủ các phương tiện, hóa chất tại chỗ; cung cấp 51 thùng rác tiêu chuẩn; 240 dụng cụ chuyên dụng và nhiều hóa chất, dung dịch sát khuẩn...

Các hoạt động cụ thể trong Dự án "Tăng cường vệ sinh bệnh viện" đã thực sự mang lại những chuyển biến tích cực nhằm thay đổi các hành vi vệ sinh làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh và cộng đồng.

Để tăng cường đảm bảo chất lượng và sự an toàn của các dịch vụ y tế, năm 2009, Dự án "Tăng cường vệ sinh bệnh viện" tiếp tục triển khai các mô hình vệ sinh tại 10 bệnh viện gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa,Việt Tiệp (Hải Phòng), đa khoa khu vực Phố Nối (Hưng Yên), Bắc Thăng Long (Hà Nội), đa khoa tỉnh Hòa Bình, đa khoa tỉnh Ninh Bình, đa khoa tỉnh Hải Dương, đa khoa tỉnh Đồng Nai, Tâm thần kinh Trung ương II và đa khoa Xanh Pôn.

Tại 10 bệnh viện này, Dự án sẽ tổ chức đào tạo giảng viên giảng dạy về vệ sinh bệnh viện; đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành vệ sinh bệnh viên cho hộ lý, người hỗ trợ chăm sóc và người giám sát; hỗ trợ lắp đặt các điểm rửa tay đạt tiêu chuẩn phục vụ cán bộ và người bệnh; cung cấp các dụng cụ vệ sinh tiêu chuẩn cho các bệnh viện; tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên trong bệnh viện và cộng đồng...

Dự án "Tăng cường vệ sinh bệnh viện" được triển khai từ năm 2007 với mục tiêu đánh giá thực trạng công tác vệ sinh, chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện; xây dựng chương trình, tài liệu, hướng dẫn thực hành vệ sinh, chống nhiễm khuẩn phù hợp; triển khai, áp dụng thí điểm mô hình vệ sinh và hướng dẫn vệ sinh tại một số bệnh viện để rút kinh nghiệm và bổ sung các văn bản, tài liệu, hướng dẫn để triển khai, mở rộng tới bệnh viện các tuyến./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục