Nguyên nhân tai nạn

Hé mở nguyên nhân các vụ tai nạn trực thăng Osprey

Bộ Quốc phòng Mỹ dự định sẽ thông báo với Nhật kết quả điều tra cuối cùng về vụ tai nạn trực thăng Osprey tại Morocco vào tuần sau
Bộ Quốc phòng Mỹ dự định sẽ thông báo với Nhật Bản kết quả điều tra cuối cùng về vụ tai nạn máy bay trực thăng vận tải Osprey tại Morocco vào tuần sau, theo đó nguyên nhân chính của vụ tai nạn là do “lỗi của phi công.”

Theo nguồn tin trên, phi công đã điều chỉnh không đúng hai bầu đựng động cơ cánh quạt hai bên cánh máy bay (nacelles) khiến máy bay bị chúi về phía trước, không giữ được thăng bằng và xảy ra tai nạn.

Bầu động cơ cánh quạt của Osprey là hệ thống cánh quạt linh động giúp Osprey có thể chuyển đổi từ máy bay lên thẳng thành máy bay thông thường trong lúc lái giúp tăng tốc độ và giảm thời gian di chuyển so với trực thăng thông thường.

Đây là điểm độc đáo của thế hệ trực thăng vận tải Osprey song để điều khiển hai bầu cánh quạt này đòi hỏi những kỹ năng phức tạp của phi công.

[Mỹ chứng minh cho Nhật về độ an toàn của Osprey]

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến cuối tháng Tám này cũng sẽ thông báo chính thức với phía Nhật Bản nguyên nhân sự cố rơi máy bay ở bang Florida (Mỹ) hồi tháng Sáu là do “lỗi của phi công” mà không phải do vấn đề về máy móc hay thiết kế của Osprey.

Theo cách lý giải này, trong quá trình huấn luyện, hai chiếc Osprey đã tiếp cận quá gần nhau khiến máy bay sau bị cuốn vào luồng gió phát ra từ cánh quạt của máy bay trước gây mất lái dẫn đến tai nạn.

Sau hai vụ tai nạn trên, phía Mỹ vẫn tiếp tục cho vận hành Osprey và đưa ra lời giải thích rằng Osprey “không hề có vấn đề gì về máy móc.”

Bằng việc đưa ra báo cáo cuối cùng với nội dung nêu trên, Washington có ý định chính thức vận hành trực thăng Osprey tại căn cứ không quân Futenma của lính thủy đánh bộ Mỹ từ tháng 10/2012./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục