Cùng bảo vệ tê giác

Nam Phi-Việt Nam chung tay kêu gọi bảo vệ tê giác

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Nam Phi phát động chiến dịch bảo vệ tê giác.
Chiều 13/3, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) của Việt Nam cho biết, ENV đã phối hợp với Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã của Nam Phi (EWT) - một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ của Nam Phi cùng sản xuất và phát hành hai mẫu áp phích mới cho chiến dịch kêu gọi bảo vệ tê giác. Các áp phích sử dụng cả hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh đều hướng tới kêu gọi mọi người cùng bảo vệ các loài tê giác bằng việc không sử dụng sừng tê giác. Áp phích thứ nhất kêu gọi cộng đồng không sử dụng sừng tê giác để ngăn chặn tình trạng giết hại tê giác tràn lan hiện nay, trong khi áp phích thứ hai mang thông điệp tê giác mẹ - cũng giống như tất cả chúng ta - không muốn con của mình bị mồ côi. Tại Việt Nam, các mẫu áp phích sẽ được đăng tải trên các website, các kênh truyền thông xã hội, các diễn đàn, blog, đồng thời được trưng bày tại các hoạt động nâng cao nhận thức của ENV như triển lãm bảo vệ động vật hoang dã và các buổi thảo luận chuyên đề tại các trường đại học. Đây là hoạt động đầu tiên của hai tổ chức trong chiến dịch hợp tác cùng hành động hướng đến việc chấm dứt nạn giết hại loài tê giác tại Nam Phi và các nước khác. Trước cuộc khủng hoảng về tê giác đang leo thang tại Nam Phi, EWT đã thành lập dự án về Tê giác năm 2012. Xét thấy không có giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được vấn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép - một vấn nạn toàn cầu đang ngày càng gia tăng, EWT đang triển khai hàng loạt các hoạt động can thiệp vào những khâu khác nhau của chuỗi săn bắn và buôn bán động vật hoang dã. Một trong những động thái can thiệp của EWT đó là chiến dịch nâng cao nhận thức tại Nam Phi và hướng tới người sử dụng sừng tê giác tại những quốc gia như Việt Nam. EWT đã phối hợp với ENV để kêu gọi người dân Việt Nam cùng chung tay bảo vệ loài tê giác châu Phi thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Từ năm 2005, ENV thiết lập đường dây nóng miễn phí 1800-1522 và (email: hotline@fpt.vn ) nhằm khuyến khích người dân thông báo các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Các cán bộ của phòng Bảo vệ động vật hoang dã sẽ tiếp nhận cuộc gọi từ người dân và chuyển thông tin tới các cơ quan chức năng địa phương. Mỗi vụ việc sẽ được lưu vào hồ sơ và được theo dõi tới khi có kết quả cuối cùng. Kết quả này cũng được phản hồi lại cho người báo tin. Đến nay, ENV đã ghi nhận được hơn 4.700 hồ sơ vi phạm, hỗ trợ các cơ quan chức năng tịch thu hàng trăm cá thể động vật, đóng cửa nhiều nhà hàng và khu chợ buôn bán động vật hoang dã, xóa bỏ nhiều biển quảng cáo và xử phạt những đối tượng vi phạm. Ngoài ra, rất nhiều người cũng đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm của mình sau khi nhận được khuyến cáo từ ENV./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục