Lộn xộn việc sử dụng kinh phí cho duy tu đường bộ

Việc duy tu đường bộ, đường sắt từ năm 2008 đến 2010 còn khá nhiều lộn xộn, đặc biệt là việc thẩm định dự toán thiếu căn cứ pháp lý.
Kiểm toán việc sử dụng kinh phí sửa chữa, duy tu đường bộ, đường sắt trong 3 năm từ 2008 đến 2010 cho thấy vẫn còn khá nhiều lộn xộn, đặc biệt việc sử dụng kinh phí không đúng mục đích, thẩm định dự toán thiếu căn cứ pháp lý.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra khoản chi sai không đúng mục đích, trong đó chỉ riêng việc xây dựng một số nhà hạt quản lý đường bộ, kinh phí quyết toán trong 3 năm đã là 18,91 tỷ đồng.

Thậm chí, trong đánh giá của mình, đơn vị kiểm toán còn thẳng thắn, Bộ Giao thông Vận tải chưa làm tốt công tác tổng hợp kinh phí giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt do các địa phương báo cáo.

Đặc biệt, việc thẩm định dự toán của Bộ với Tổng cục đường bộ Việt Nam chưa đảm bảo căn cứ pháp lý. Theo đó, năm 2010, Tổng cục đường bộ Việt Nam lập dự toán kinh phí về lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ giai đoạn III trình Bộ Giao thông Vận tải là 300 tỷ đồng nhưng không hề có phương án đền bù, giải tỏa hay thậm chí không hề có cả nội dung công việc.

Ngoài ra, công tác giao kế hoạch vốn cho các công trình chưa căn cứ vào vào khả năng chuẩn bị hồ sơ, thủ tục nên có nhiều công trình được giao kế hoạch vốn từ đầu năm nhưng không thực hiện được. Nguồn vốn này chính vì thế lại phải điều chỉnh cho công trình khác.

Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch vốn phải thực hiện nhiều lần trong năm.

Việc lộn xộn còn được Kiểm toán Nhà nước chỉ thêm khi cho rằng, một số công trình không được giao kế hoạch nhưng vẫn thực hiện. Trong khi đó, công tác chuẩn bị đầu tư chưa lường hết được khối lượng cần thiết dẫn tới tình trạng vừa thi công vừa phải điều chỉnh, bổ sung khối lượng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ còn gặp nhiều khó khăn khi một số địa phương coi nhiệm vụ này là của cơ quan quản lý đường bộ, chưa chú trọng quy hoạch các đường nhánh nối vào quốc lộ.

Để giải quyết tình trạng này, Kiếm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý đường bộ với các cấp chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng có hiệu quả kinh phí giải tỏa hành lang đường bộ./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục