Quốc hội nghe Chính phủ trình hai dự thảo Luật

Sáng 10/11, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe thành viên Chính phủ trình hai dự thảo Luật An toàn thực phẩm, Luật Người khuyết tật.
Sáng 10/11, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe thành viên Chính phủ trình hai dự thảo Luật An toàn thực phẩm, Luật Người khuyết tật và Báo cáo thẩm tra hai dự thảo luật trên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Phối hợp giữa các bộ, ngành về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trình bày Tờ trình dự án Luật an toàn thực phẩm nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở Việt Nam vẫn còn một số yếu kém cần có các giải pháp mạnh, đồng bộ để khắc phục.

Sau 6 năm thực hiện Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm cho thấy, Pháp lệnh đã thực sự là một công cụ quan trọng để Nhà nước quản lý công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập như cùng một vấn đề nhưng quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, nên có sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp, có vấn đề nảy sinh nhưng chưa có văn bản quy định.

Các khái niệm như an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được nêu rõ nên đã gây khó khăn trong việc phân định nhiệm vụ quản lý giữa các bộ, ngành.

Dự thảo Luật gồm 11 chương, 62 điều. So với Pháp lệnh năm 2003, Dự thảo Luật quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Ngoài việc bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, phạm vi điều chỉnh của  Dự thảo Luật còn bao gồm cả kiểm nghiệm thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm...

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật an toàn thực phẩm do Chủ nhiệm  Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày cho rằng việc ban hành Luật An toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, sức cạnh trạnh của hàng hóa nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Các quy định của dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị chỉnh sửa quy định tại một số điều, khoản của dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.

Về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại Chương IX dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, trong dự thảo Luật cần phân công rõ trách nhiệm của Bộ Y tế là bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, còn đối với các bộ khác nên giao Chính phủ phân công cụ thể; đồng thời phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đề nghị bỏ Điều 51 quy định về nội dung quản lý nhà nước vì không cần thiết, chuyển Điều 52 về Chương I (Những quy định chung); đồng thời bổ sung vào Điều 52 nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ.

Về quản lý thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần có quy định theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất-kinh doanh thức ăn đường phố.

Trong dự thảo Luật cần có mục hoặc điều quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tăng thêm cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật Người khuyết tật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật, tiếp tục bổ sung hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội bình đẳng và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần.

Ủy ban đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục phát triển những quan điểm của Pháp lệnh về người tàn tật trên cơ sở tiếp cận những quan điểm của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, qua đó nhìn nhận vấn đề ở góc độ xã hội chứ không thiên về góc độ y tế như trước đây, chỉ tập trung vào chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật.

Do vậy, quy định của dự án Luật hướng nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ, xóa bỏ rào cản về nhận thức, môi trường để người khuyết tật được bình đẳng về cơ hội, có điều kiện để chủ động tham gia vào đời sống xã hội. Việc xây dựng Luật người khuyết tật là một bước hệ thống hóa các quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, vấn đề người khuyết tật liên quan đến nhiều chính sách đã được ban hành trong các văn bản pháp luật khác như Bộ Luật lao động, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật giáo dục, Luật dạy nghề, Luật bình đẳng giới, Luật người cao tuổi...

Do vậy, những chính sách đưa ra trong dự thảo Luật phải được rà soát, đối chiếu, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự cân đối, đồng bộ với các đối tượng khác, cũng như không trùng lắp trong tổng thể chính sách an sinh xã hội.

Về chính sách khuyến khích sử dụng lao động là người khuyết tật, Pháp luật hiện hành quy định doanh nghiệp phải sử dụng một tỷ lệ nhất định lao động là người tàn tật. Tuy vậy, trong Báo cáo tổng kết tình hình thi hành Pháp lệnh về người tàn tật và Tờ trình của Chính phủ chưa có số liệu cũng như đánh giá đầy đủ về kết quả tổ chức thực hiện quy định này.

Cần có quy định để nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan... đối với người khuyết tật. Do vậy, Ban soạn thảo cần có những đánh giá, phân tích sâu hơn về nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng bất cập này cũng như làm rõ những căn cứ để sửa đổi quy định này trong dự thảo Luật theo hướng tăng thêm cơ hội cho người khuyết tật có được việc làm, được lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục