Thấy gì sau 1 năm ông Hollande làm Tổng thống Pháp?

Nhậm chức Tổng thống Pháp với bao hứa hẹn tốt đẹp nhưng sau 1 năm tại vị, ông Hollande gặp vô vàn khó khăn và uy tín giảm thấp kỷ lục.
Cách đây đúng một năm (ngày 6/5/2012), ông Francois Hollande thắng cử với tỷ lệ 58% số phiếu ủng hộ so với tỷ lệ 48% của ông Nicola Sarkozy, trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Pháp, bắt đầu một sự thay đổi mà người dân Pháp kỳ vọng cho một giai đoạn mới tốt đẹp hơn. Nhưng họ đã vấp phải sự thất vọng khi chỉ số tín nhiệm đối với ông Hollande ngày càng giảm sút do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Phóng viên TTXVN tại Pháp có bài tổng hợp nội dung phân tích và đánh giá được đăng trên một số báo tại địa bàn về sự kiện này. Đây là lần đầu tiên, sau 17 năm cánh hữu nắm quyền ở Pháp, ông Hollande trở thành nhà lãnh đạo đảng Xã hội nắm vai trò dẫn dắt nước Pháp kể từ thời Tổng thống Francois Mitterrand và là vị Tổng thống thứ 7 nhiệm kỳ tiếp theo của Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, cùng bao điều hứa hẹn tốt đẹp. Chẳng hạn, trong bài phát biểu của ông ngay sau khi nhận chức, ông khẳng định “sẽ làm gương” và “cam kết tận tâm phụng sự đất nước,” và ông chú ý đến hai cam kết chủ yếu, đó là “công bằng xã hội và thanh niên.” Ông cũng đã cam kết sẽ nhanh chóng xây dựng các đối tác của mình ở châu Âu đồng thời ngay sau đó thực hiện chuyến đi đầu tiên sang Berlin (Đức), bắt đầu nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp ước ngân sách châu Âu nhằm làm “hài hòa” các biện pháp vì sự tăng trưởng tại nước Pháp và khu vực này. Thế nhưng thực tế sau một năm cầm quyền, Tổng thống Francois Hollande đã gặp phải vô vàn khó khăn và uy tín của ông đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Đây cũng là đề tài gây nhiều tranh luận của các nhà chính trị, chuyên gia, các nhà phân tích và báo giới như báo viết (le Monde, le Figaro, les Echos…), báo mạng và các kênh truyền hình tại Pháp trong những ngày gần đây. Sự kiện này cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Pháp và châu Âu. Thậm chí trong một cuộc thảo luận trên truyền hình của Pháp mới đây còn cho rằng “F.Hollande không đủ khả năng” để tiếp tục lãnh đạo nước Pháp cho đến hết nhiệm kỳ. Đa số người dân Pháp (khoảng 70%) không tin ông đủ bản lĩnh cũng như khả năng đưa nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng. Theo kết quả điều tra của Viện Dư luận Xã hội Pháp công bố cuối tháng 4/2013 vừa qua, chỉ có 25% người dân nước này tỏ ra "hài lòng" với Tổng thống F. Hollande, trong khi đó có tới 74% cảm thấy "không hài lòng" hoặc "rất không hài lòng." Nhiều phân tích cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự “thất sủng” của ông cũng rất dễ dàng nhận thấy, đó là ông đã không thể đưa ra được các giải pháp để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, đồng thời giảm thâm hụt ngân sách và vay nợ công. Ngược lại, theo con số của Bộ Lao động và Việc làm Pháp công bố ngày 25/4, vừa qua số người thất nghiệp ở nước này đã tăng mức kỷ lục, với 3,224 triệu người, vượt ngưỡng kỷ lục về người thất nghiệp hồi tháng 1/1997 (3,195 triệu người), thậm chí tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp có thể đạt ngưỡng 11,6% dân số trong độ tuổi lao động vào cuối năm 2014, thay vì 10,2% vào cuối năm 2012. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế của Pháp vẫn tiếp diễn. Sức mua của người dân trong nước giảm, xuất khẩu yếu kém, lòng tin của các nhà đầu tư không được cải thiện, một số các chỉ tiêu kinh tế không thực hiện được như giảm thâm hụt ngân sách vẫn ở mức 4,8% (năm 2012) thay vì mục tiêu là 4,5% và tiêu chuẩn châu Âu là 3%… Đó là chưa kể đến một số vụ bê bối khác trên chính trường của Pháp đã góp thêm một nguyên nhân nữa làm giảm uy tín của vị Tổng thống đương nhiệm này. Chẳng hạn như vụ cáo buộc cựu Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac phải từ chức vì bị cáo buộc trốn thuế. Trước tình hình đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra nhận định cho rằng kinh tế của Pháp sẽ còn tiếp tục “ảm đạm” và có thể sẽ rơi vào suy thoái như một số nước châu Âu khác vào cuối năm nay. Lý giải về tính “nghiêm trọng của tình hình hiện nay” và về vị thế bất lợi của Tổng thống đương nhiệm, tờ nhật báo Les Echos có bài viết trích đăng ý kiến của Tổng thống F. Hollande thừa nhận ông nhậm chức trong một thời kỳ “đặc biệt” khó khăn, khó khăn trên lĩnh vực kinh tế như khủng hoảng kinh tế tài chính kéo dài, kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái, thất nghiệp ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử, Pháp bắt đầu tham gia vào cuộc chiến tại Mali, …nên theo ông cần phải có sự “kiên trì.” Ông tái khẳng định rằng ông sẽ cố gắng tìm kiếm đưa ra áp dụng những biện pháp hiệu quả hơn để khắc phục tình hình hiện nay, chẳng hạn ông hứa sẽ không có khoản thuế mới nào trong năm 2014 ngoài tăng thuế giá trị gia tăng. Nhiệm vụ của ông trong lúc này là phải luôn vững vàng và có “cái nhìn từ xa” và phán đoán được những “cơn bão” có thể xảy đến cùng một lúc. Với nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, đối với Tổng thống F. Hollande đây mới là chặng đường đầu tiên. Song, tỷ lệ lòng tin và sự tín nhiệm của người dân ở mức “quá khiêm tốn” như hiện nay sẽ như một sự “cảnh tỉnh” đối với ông về cả một chặng đường đầy “gian nan” ở phía trước. Cũng như những thành viên khác trong Chính phủ Pháp, ông Hollande sẽ còn phải đối mặt với một thực tế khá khó khăn về điều hành chính sách kinh tế và xã hội để khôi phục và lấy lại hình ảnh một nước Pháp vững mạnh trong Liên minh châu Âu./.

Lê Hà/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục