Kinh tế hết hấp dẫn?

Thi đại học: Ngành kinh tế có xu hướng giảm nhiệt

Xu hướng chọn các trường đại học khối ngành kinh tế của thí sinh có dấu hiệu giảm nhiệt, thay vào đó là khối kỹ thuật, ngoại ngữ.
Đến thời điểm này, hầu hết các trường trung học phổ thông đã gần như hoàn tất công tác thu hồ sơ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013. Theo khảo sát của phóng viên Vietnam+ sáng nay, ngày 4/4/2013, tại các điểm thu ở Hà Nội, xu hướng chọn trường kinh tế của thí sinh đã giảm nhiệt, thay vào đó là khối ngành kỹ thuật, ngoại ngữ.

Theo cô Hạnh, cán bộ thu hồ sơ của trường Trung học phổ thông Việt Đức, năm nay trường có khoảng 2.000 hồ sơ. Số thí sinh dự thi vào trường kinh tế giảm hẳn so với năm trước, thay vào đó, đa số thí sinh chọn khối D1 vào các ngành ngoại ngữ.

“Khi chọn trường, các em cũng tham khảo nhiều thông tin và biết nhân lực ngành kinh tế đã bão hòa nên không dự thi nhiều như trước,” cô Hạnh cho biết.

Đây cũng là chia sẻ của em Đinh Ly Ly, học sinh lớp 12D4, trường Trung học phổ thông Nhân Chính. Ly cho biết, em dự thi vào Đại học Hà Nội và ở lớp em, số bạn dự thi vào khối ngành kinh tế, tài chính chỉ chiếm 10%. “Các bạn sợ ra trường không xin được việc,” Ly nói.

Tại Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, cán bộ thu hồ sơ ở đây cho hay số hồ sơ dự thi vào ngành kinh tế giảm khoảng 30% so với năm 2012. Thí sinh dự thi khối D1 chiếm tới khoảng 70% tổng hồ sơ toàn trường. Khối dự thi ít nhất là khối C, chỉ khoảng 100 bộ trên tổng số 1.900 hồ sơ.

Một học sinh của trường cho biết: "Em thi khối D, ngành ngoại ngữ vì trong tương lai, kinh tế thế giới hội nhập, ngoại ngữ là chìa khóa không thể thiếu trong bất cứ lĩnh vực gì, vì thế không lo thất nghiệp khi ra trường."

So với trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, số hồ sơ khối D của trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng không chiếm ưu thế tuyệt đối nhưng cũng là một trong hai khối có lượng hồ sơ nhiều nhất, bên cạnh khối A.

Theo cô Cát Tuyết Nhung, cán bộ phụ trách hồ sơ của trường, năm nay thí sinh đã có sự chuyển hướng ngành nghề rõ rệt. “Nếu năm trước, hai trường Đại học Thương mại và Học viện Ngân hàng hút học sinh nhất, đặc biệt là Đại học Thương mại luôn có lượng hồ sơ nhiều nhất thì năm nay, các em chuyển sang Đại học Công đoàn,” cô Nhung nói.

Đây cũng là nhận định của thầy Vũ Thạch Khiêm, cán bộ thu hồ sơ của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, điểm thu tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Thầy Khiêm cho biết, hiện thầy đã nhận khoảng 300 hồ sơ, trong đó rải rác các ngành chứ không chỉ thiên về kinh tế nhưng vài năm trước. Khối thi được thí sinh chọn nhiều nhất là khối D, tiếp đó là khối A1, ít nhất là khối C với dưới 10 bộ hồ sơ.

Như vậy, so với các năm trước, xu hướng chọn khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng đã giảm nhiệt. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng lượng nhân lực của khối ngành này đã bão hòa và yêu cầu các trường đại học, cao đẳng không mở thêm ngành, trường mới thuộc lĩnh vực này. Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính cũng công bố, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người.

Theo lịch công tác tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ nộp hồ sơ tại trường trung học phổ thông và tại các sở giáo dục và đào tạo đến hết ngày 11/4. Từ ngày 12 đến 17 giờ ngày 22/4, thí sinh nộp trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng đăng ký dự thi./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục