Lương tăng, giá cũng nhích

Hậu tăng lương: Siêu thị giữ giá, chợ tăng nhẹ

Sau một tuần tăng lương, giá cả ở các chợ tại Hà Nội nhích tăng trong khi tại các siêu thị, hầu hết các mặt hàng đều giữ giá.
Hơn một tuần sau khi Nhà nước tăng lương cơ bản, tại các chợ ở Hà Nội, giá một số mặt hàng tăng nhẹ. Còn tại các siêu thị hầu hết các mặt hàng đều giữ giá.

Giá tăng từ 2-5%

Cô Phạm Thị Hiền nhà ở Đại La (Hà Nội) cho biết, một vài ngày gần đây giá một số mặt hàng đã được người bán điều chỉnh. Một cân thịt lợn thăn ở các chợ trong hai ngày gần đây đã tăng từ 5000-7000 đồng/kg. Chỉ một số những loại rau, mắm, muối là không có sự thay đổi.

Những mặt hàng thực phẩm khác như gà ta, thịt bò giá cũng tăng từ 4-5%, giá giò chả, hải sản... cũng nhích tăng.

Khảo sát quanh một số khu chợ lớn của Hà Nội như Thành Công, Đồng Tâm, Chợ Hôm, Trương Định, Cầu Giấy… giá tăng mạnh nhất là nhóm hàng thực phẩm rồi đến những loại hàng đồ khô.

Chị Huyền bán mặt hàng đồ khô tại chợ Trương Định giải thích: “Tăng giá là theo thị trường, mọi người tăng thì chúng tôi cũng tăng theo. Nếu như tự mình tăng giá, đắt quá thì làm gì có khách.”

Việc tăng giá của các tiểu thương đã khiến cho nhiều người dân phàn nàn và khá bức xúc.

“Những tuần trước, đi chợ mua đồ ăn cho một ngày chỉ mất khoảng 100 nghìn, sang đến tuần này giá cả nhiều loại lên quá nhanh, chi phí mỗi ngày thêm cũng khoảng 15-20 nghìn/ngày,” cô Tuyết ở Tân Mai bày tỏ.

Không chỉ có những mặt hàng thực phẩm rục rịch tăng giá, nhưng loại hàng như: bột giặt, nước xả, kem đánh răng… tại các khu chợ cũng được điều chỉnh tăng từ một đến vài nghìn đồng.

Bên cạnh những mặt hàng thiết yếu đến đời sống hàng ngày của người dân, những loại đồ dùng như quạt điện, máy xay sinh tố, chiếu trúc… cũng nhân đà này mà “ăn theo.”

Anh Công, bán hàng đồ quạt điện trên hàng Bạch Mai cho biết: “Sắp đến mùa nóng nên những mặt  hàng chống nóng như quạt rồi chiếu trúc tiêu thụ rất mạnh. Năm nào cứ đến dịp này, giá cũng tăng chứ không phải mình tăng theo lương.”

Theo ghi nhận của Vietnam+, giá cả các mặt hàng tuy có tăng nhưng không mạnh chỉ dao động trong khoảng 2-5%. Ví dụ, giá một chiếc quạt điện trong tháng trước khoảng 300 nghìn, giờ đã tăng thêm từ 10-20 nghìn/chiếc, tùy từng cửa hàng.
 
Bác Nguyễn Thị Nguyệt nhà ở phố Huế phàn nàn: “Cứ cái kiểu tăng giá theo mùa thế này chỉ có "chết" người tiêu dùng.”

Người mua hàng tuy có bức xúc nhưng vẫn đành phải chấp nhận vì những mặt hàng tăng đều là những loại thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.

Chị Thu Hà ở phố Huế chia sẻ: “Chỉ khổ cho những bà nội trợ như chúng tôi lại phải đau đầu vì phải cân đối lại chi tiêu.”

Các siêu thị lớn không có biến động

Tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, giá cả các mặt hàng vẫn ổn định sau khi tăng lương.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivi Mark, cho biết: “Mức giá của tất cả các mặt hàng đều không thay đổi. Thật vô lý khi lấy cớ tăng lương mà tự động nâng giá.”

Cũng theo bà Hậu thì việc tăng giá tại các siêu thị phải có lộ trình cụ thể. Khi nhà cung cấp có thông tin về việc thay đổi giá thì chúng tôi phải có thời gian chuẩn bị từ hai đến ba tháng mới thực hiện.

Ghi nhận của phóng viên Vietnam+ tại một số các hệ thống siêu thị lớn như: Metro, Hapro, BigC… vẫn không có bất kỳ sự biến đổi về giá cả. Gần như không có sự ảnh hưởng từ việc tăng lương tới các siêu thị.

Cô Phạm Thị Duyên đang mua hàng ở siêu thị Metro cho biết: “Tôi thấy giá cả các mặt hàng vẫn không có biến đổi nhiều. Cũng có một số loại như nước xả, thực phẩm đông lạnh... giá có tăng nhưng không đáng kể.”

“Ở các chợ ngoài giá cả hay bấp bênh vì những người bán ở đó hay tự động thay đổi theo ý mình, còn ở các siêu thị lớn giá cả thường khá ổn định, ” cô Duyên cũng cho biết thêm.

Đại diện phía siêu thị BigC cho biết, khi tăng giá các loại hàng hóa, siêu thị đều có sự thông báo cho khách hàng, hơn nữa việc thay đổi giá cả phụ thuộc rất lớn vào những nhà sản xuất và phải có lộ trình.

Cũng do việc tự động tăng giá của các tiểu thương mà nhiều người dân thay bằng đi chợ đã chuyển sang mua hàng tại các siêu thị lớn.

Bác Đỗ Thị Thơm nhà ở Cầu Giấy nói: “Đi chợ thì được cái tiện, không mất công và thời gian đi lại nhưng giá cả hay thay đổi. Chuyển sang đi siêu thị tuy mất thời gian một chút nhưng lại vừa yên tâm chất lượng lại ít biến động về giá cả.”

Theo thông tin từ một số các siêu thị thì tuy ảnh hưởng từ dịch lợn tai xanh nhưng mặt hàng thịt lợn trong những ngày gần đây có xu hướng tăng.
Theo phân tích của đại diện siêu thị BigC thì,  do người dân lo sợ về chất lượng thịt lợn ở các chợ nên đã tìm đến các siêu thị để mua. Số lượng thịt lợn tiêu thụ tại BigC trong 1 tuần trở lại đây đã tăng hơn 15%.
Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục