Dắt chồng làm đám cưới

Mối tình son sắt vượt bom đạn chiến tranh

Hơn 30 năm nay, chị Song là ánh sáng soi đường cho người chồng mù lòa, thương tật 92%, vượt số phận để giúp đỡ người cùng cảnh.
Nghe tiếng xe quen thuộc, chị Song bỏ mớ rau đang nhặt, lật đật ra cửa đón chồng. Anh Thành, dù thuộc từng bậc cửa nhưng vẫn để vợ, tay cầm cặp, tay dắt vào nhà.

Người phụ nữ tần tảo ấy, hơn ba chục năm nay, là ánh sáng soi đường cho người chồng mù lòa, bị thương tật 92%, vượt qua mất mát, khổ đau để giúp đỡ người cùng cảnh.

Nỗi nhớ nhòe bức thư tình

Gian nhà nhỏ của khu tập thể Hội người mù Việt Nam (tại phường Láng Hạ, Hà Nội) lúc nào cũng tràn ngập hạnh phúc với tiếng bi bô của trẻ nhỏ. Đã ở tuổi ông, bà mà Cao Văn Thành và Phan Thị Kim Song còn xưng anh – em như những đôi trẻ.

Khó khăn lắm, câu chuyện của vợ chồng người cựu chiến binh năm xưa với phóng viên Vietnam+ mới “vào mạch.” Anh Thành rơm rớm nước mắt khi nhớ lại những chuyện đã qua với biết bao thăng trầm, biến cố của cuộc đời. Bên cạnh, chị Thanh khẽ ngượng ngùng khi những bức thư tình được lật giở…

Vào năm 1969, chàng trai xứ Thanh và cô gái người Khoái Châu (Hưng Yên) có quê gốc ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) cùng thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ tình bạn, Song và Thành “chuyển giai đoạn” vào năm thứ hai của giảng đường đại học.

Nhưng, ở cái thời mà đất nước còn bom rơi đạn nổ ấy, người thanh niên phải biết lấy quốc gia đại sự làm trọng. Dù thuộc diện “được ở lại” do anh ruột đã hy sinh năm 1969, nhưng Cao Văn Thành vẫn tình nguyện lên đường vào giữ thành cổ Quảng Trị.

Biết ý nguyện của Thành, Song chỉ lặng lẽ xếp quần áo vào ba lô cho người yêu. Cuộc chia tay của họ giản dị, mộc mạc nhưng cũng đầy bịn rịn như mối tình sinh viên trong trắng. Song ứa nước mắt, hứa sẽ ở hậu phương hoàn thành nốt khóa học, đợi Thành ca khúc khải hoàn…

Sau lưng là miền Bắc ruột thịt, nên mỗi lần có người ra Bắc, Thành lại gửi thư về cho Song và ngược lại. Những cánh thư ấy là tình yêu, nỗi nhớ và cả những chút giận hờn vô cớ…

Thời gian viết thư của anh chiến sĩ trẻ, khi thì trước, lúc thì sau trận đánh, kể chuyện chiến trường khốc liệt, tình đồng đội. Còn cô sinh viên thì kể chuyện đi sơ tán, ôm chồng thư, bộ quần áo người yêu để làm kỷ niệm.

“Có những bức thư, Song viết lúc nhớ, nước mắt làm nhòe cả dòng chữ trên trang giấy,” anh Thành nhớ lại.

Ngày ấy, Thành vẫn đọc thư cho đồng đội mình nghe, đó là thứ “tài sản chung” của những người lính muốn được sẻ chia niềm vui, nỗi buồn nơi bom rơi đạn lửa. Có những lá thư chị Song viết, hờn trách anh khi bị thương ở chân mà không báo cho người yêu bởi sợ chị ở hậu phương lo lắng: “Anh lúc đi lành lặn, khi về mất 1 chân chứ 2 chân hoặc mất mát gì đi nữa cũng vẫn sắt son như trước...”

Không ai có thể ngờ, lời trách hờn đầy yêu thương ấy đã trở thành sự thực.

Mất hai con mắt, vẫn yêu

Giọng trầm hẳn, anh Thành kể vào năm 1975, khi di chuyển từ Huế vào Đà Nẵng, đơn vị anh bị tập kích. Một quả pháo rót xuống đã làm Thành đã mất đi một con mắt, gãy chân và khớp vai bị vỡ. Anh chính thức rời chiến trường với 92% thương tật.

Ở thời điểm ấy, trang thiết bị y tế thiếu thốn, vết thương ở một bên mắt của Thành đã lây sang con mắt còn lại. Rồi con mắt thứ 2 cũng nhanh chóng chỉ còn một màu tối đen như mực. Thành được đưa về cứu chữa ở Quân y viện 109 (Vĩnh Yên).

Lúc ấy, Song đang hoàn thành đồ án tốt nghiệp tại Việt Trì (Phú Thọ).

Nằm trên giường bệnh, Thành nghĩ nhiều về Song, người ta giàu hai con mắt, khó hai bàn tay. Giờ thì anh sẽ chẳng nhìn được vào đôi mắt đen lay láy của người yêu. Còn Song, nếu giữ lời thề xưa, sẽ rất khổ sau này…

Nghĩ nhiều lắm, rồi Thành quyết định gửi lá thư cuối cùng, nhờ người bạn cùng điều trị gửi lên Việt Trì cho Song.

Cầm lá thư với dòng chữ nguệch ngoạc trên tay, Song rụng rời. Chị vội vã mượn xe đạp, vượt gần ba mươi cây số đến Bệnh viện 109. Nhưng, khi đến nơi thì anh đã được chuyển về Quân y viện 108 ở Hà Nội.

Chẳng chút đắn đo, Song về Hà Nội tìm Thành. Khi cô hộ lý báo cho anh biết có người đến thăm, một không gian nặng trịch bao trùm lấy họ. Linh cảm cho Thành biết, đó là người yêu mình:

- Song à?
- !!!!


Thinh lặng một lúc lâu, Thành thấy một bàn tay nhỏ bé nắm lấy tay mình. Tiếng nấc nghẹn ngào của người yêu làm anh như đứt từng khúc ruột.

Những ngày sau đó, Thành khuyên Song đi tìm người khác, bởi mình đã tàn phế, nhưng chị một mực khẳng định lòng chung thủy trước sau như một…

Tháng 12/1975, anh Thành về điều trị tại đoàn thương binh nặng của Quân khu hữu ngạn đóng ở Ninh Bình, rồi chuyển về điều dưỡng tại Hà Nam. Chị Song ra trường, họ quyết định làm đám cưới.

Một điều trùng lặp bất ngờ, khi đem chứng minh thư đi đăng ký kết hôn, họ mới biết ngày sinh của nhau. Như mối lương duyên trời định, cả 2 đều sinh ngày 2/2/1951.

Tình yêu soi sáng đường đời


Mối tình vượt bao chông gai của họ đã làm cảm động nhiều người. Ngày 17/2/1976, họ chính thức làm lễ công bố với họ hàng…

Đám cưới của Song-Thành mộc mạc và giản dị nhưng sao mà đầm ấm, hạnh phúc đến thế. Cô dâu dắt tay chú rể đi chào họ hàng, làng nước, lấy thức ăn vào bát cho chú rể. Và, cũng chính cô dâu, gò lưng đạp xe đạp, đèo chú rể, vượt ba mươi cây số, đi đò qua sông Hồng để đến ga Thường Tín (Hà Nội bây giờ), bắt tàu về nhà chồng tận Thanh Hóa xa xôi.

Cưới xong, chị Song về làm ở Xí nghiệp chế biến mì (Sở Lương thực Thanh Hóa) để tiện bề lo việc nhà chồng. Còn anh Thành, khi thì ở nhà, lúc thì đến trại điều dưỡng mãi tận Hà Nam.

Cái đen đủi chưa thôi bám đuổi, cuối năm 1976, cô con gái xinh đẹp của họ ra đời. Song, do di chứng của chiến tranh, cô bé không thể nói và thính giác cực kỳ kém.

May sao, đến năm 1978, rồi năm 1985, cậu con trai con trai thứ 2 và cô con gái út của Song – Thành lần lượt chào đời lành lặn. Hiện, cậu con trai đã tốt nghiệp đại học và cả 2 đều có việc làm ổn định.

Về phần mình, năm 1981, anh Thành rời trại điều dưỡng, về Thanh Hóa. Tại đây, anh đã gây dựng Hội người mù ở thị xã này, với mong muốn cùng những bạn cùng cảnh vượt lên số phận. Sẵn đà, năm 1989, anh tiếp tục xây dựng Hội người mù của tỉnh Thanh Hóa.

Công việc lúc này bộn bề, không nhìn thấy đường nên đi lại khó khăn, anh đã đề nghị vợ về làm Chánh văn phòng ở Hội người mù tỉnh.

Với những cố gắng vượt bậc và những thành tích đáng nể trong công tác gây dựng phong trào, năm 1998, Cao Văn Thành được đề cử vào thường vụ Trung ương Hội người mù Việt Nam và giữ chức Phó Chủ tịch từ đó đến giờ.

Chị Song cũng theo chồng ra Hà Nội, giữ chức Trưởng phòng hành chính tại Hội người mù và hiện đã nghỉ hưu.

Con trai của Song-Thành đã có vợ, họ đã có chàu bồng bế.

Cuộc sống của họ cứ bình lặng như thế, anh Thành đi làm, chị Song, ngoài công việc Tổ trưởng tổ dân phố thì ở nhà chăm sóc gia đình và đợi tiếng xe chở chồng về vào mỗi buổi chiều…

Chiến tranh đã lùi xa, song, những dư chấn, nỗi đau còn ở lại. Và, vượt lên những nỗi đau ấy là tình yêu của những - con - người./.

(Trung Hiền/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục