Hy vọng mong manh

Tổng tuyển cử ở Kyrgyzstan - Hy vọng mong manh

Người dân Kyrgyzstan đang hy vọng cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 10/10 sẽ khép lại trang sử nhiều gập ghềnh của dân tộc.
Người dân Kyrgyzstan đang hy vọng cuộc tổng tuyển cử đầu tiên theo chế độ dân chủ nghị viện diễn ra ngày 10/10 tới ở quốc gia Trung Á này sẽ khép lại trang sử nhiều gập ghềnh của dân tộc, mở ra thời kỳ phát triển mới hướng tới hòa bình và ổn định.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hy vọng của người dân Kyrgyzstan khó trở thành hiện thực khi mô hình dân chủ nghị viện kiểu phương Tây không phải là "chiếc gậy thần" để có thể giải quyết tất cả những vấn đề hóc búa mà quốc gia này đang phải đối mặt.

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới là bước đi nhằm hợp pháp hóa các thể chế quyền lực, vốn được hình thành sau khi chính quyền lâm thời Kyrgyzstan do bà Roza Otunbaeva đứng đầu lên nắm quyền thông qua một cuộc bạo động lật đổ cựu Tổng thống Kurmanbek Bakiev hồi tháng Tư vừa qua.

Tham gia chạy đua vào 120 ghế Quốc hội khóa năm có tới 3.500 ứng cử viên, đại diện của 29 đảng phái chính trị. Để có chân trong Quốc hội, các chính đảng phải giành được ít nhất 5% số phiếu ủng hộ của cử tri và mỗi đảng không được nắm giữ quá 65 ghế.

Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây, nếu cuộc bầu cử Quốc hội Kyrgyzstan diễn ra công bằng, dân chủ và minh bạch, sẽ có từ 5-7 chính đảng vượt qua được ngưỡng tối thiểu bắt buộc, nhưng không có đảng nào có thể giành được đa số để đứng ra thành lập chính phủ.

Chính điều này đang làm dấy lên lo ngại làn sóng bạo lực mới lại bùng phát sau bầu cử ở đất nước Trung Á, vốn đã xảy ra hai cuộc "cách mạng màu" trong vòng năm năm qua. Những đảng phái không giành được ghế tại Quốc hội khóa 5 sẽ không dễ dàng chấp nhận thất bại, trong khi việc đàm phán thành lập chính phủ liên minh được dự báo cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

Theo cựu Chủ tịch Quốc hội Zainidin Kurmanov, Kyrgyzstan là một đất nước nhỏ bé với dân số chỉ khoảng 5,3 triệu người, nhưng có hàng chục cộng đồng sắc tộc khác nhau sinh sống.

Mỗi cộng đồng sắc tộc, khu vực ở đây thường có một chính đảng riêng, đối chọi nhau về đưòng lối, mục tiêu. Do đó, việc đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền trong Quốc hội sẽ trở nên hết sức khó khăn và phức tạp. Những bất đồng kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa cực đoan và khủng bố quốc tế hiện thực hóa mục tiêu “Hồi giáo hóa” Kyrgyzstan.

Bên cạnh những bất đồng gay gắt giữa các đảng phái chính trị, Kyrgyzstan cũng đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế-xã hội hết sức nghiêm trọng như ngân sách trống rỗng, nợ nước ngoài tăng cao, nền kinh tế đứng bên bờ sụp đổ, nạn đói đe dọa, tham nhũng hoành hành và nguy cơ tái bùng phát xung đột sắc tộc gia tăng.

Theo số liệu của Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO), khoảng hai triệu người Kyrgyzstan đang bị thiếu ăn trầm trọng. Đặc biệt, người dân tại thành phố Osh và tỉnh Dzhalal-Abad ở miền Nam Kyrgyzstan, vốn đang chịu cảnh “màn trời, chiếu đất” do nhà cửa bị tàn phá trong các cuộc xung đột sắc tộc hồi tháng Sáu vừa qua, nay lại đương đầu với nạn đói hoành hành, nhất là khi mùa Đông đến.

Trong khi đó, các nguồn dự trữ chiến lược như dầu diezen và ngũ cốc gần như cạn kiệt. Tất cả những vấn đề trên đang làm gia tăng sự bất mãn trong dân chúng, đồng thời có thể khiến sự hận thù sắc tộc ở miền Nam ngày càng sâu sắc.

Việc lựa chọn con đường phát triển theo chế độ dân chủ nghị viện trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với khủng hoảng toàn diện khiến dư luận nghi ngờ Kyrgyzstan khó có khả năng trở thành quốc gia đầu tiên ở Trung Á xây dựng thành công mô hình dân chủ nghị viện kiểu phương Tây. Vì thế, hy vọng của người dân Kyrgyzstan về một tương lai thực sự tươi sáng hơn có lẽ vẫn chỉ là giấc mơ xa vời./.

Dương Trí (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục