Sản xuất, thương mại xanh tăng cơ hội việc làm

Chương trình "Sản xuất, thương mại xanh tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người nghèo ở nông thôn," giới thiệu ngày 25/11, ở Hà Nội.
Chương trình "Sản xuất và thương mại xanh tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người nghèo ở nông thôn" đã được giới thiệu tại buổi họp báo ngày 25/11, tại Hà Nội.

Theo ông Đỗ Kim Long, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, mặc dù Việt Nam đã đạt được bước tiến ấn tượng về kinh tế nhưng nghèo đói và bất bình đẳng vẫn là một thách thức đang được tập trung giải quyết, đặc biệt là khu vực nông thôn, nơi tập trung hơn 90% người nghèo ở Việt Nam.

Ở nhiều khu vực, nguồn thu nhập từ nông nghiệp không đủ cho các hộ vượt được ngưỡng thu nhập nghèo của quốc gia là 200.000 VND/người/tháng (khoảng 0,35 USD/ngày). Việc thu mua và xử lý nguyên liệu thô tự nhiên từ rừng và việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, phần lớn diễn ra lúc nông nhàn, lại đóng vai trò là nguồn thu nhập chính.

Chương trình của Liên Hợp Quốc hướng vào mục tiêu nâng cao thu nhập và cơ hội việc làm cho người trồng hoặc thu mua nguyên liệu thô, thợ thủ công và người sản xuất đồ nội thất.

Chương trình hỗ trợ 4.800 nông dân nghèo và hộ gia đình ở bốn tỉnh phía Bắc là Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình và Phú Thọ. Những tỉnh này được lựa chọn dựa trên ba tiêu chí gồm tỷ lệ nghèo đói cao, tập trung người dân tộc thiểu số; nhiều nguyên liệu thô và có sản xuất thủ công mỹ nghệ của địa phương.

Ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết trong 4 tỉnh được lựa chọn trên, Chương trình sẽ tập trung vào năm hoạt động gồm mây tre; nuôi tằm và dệt lụa; cói; sơn mài; giấy thủ công.

Cách tiếp cận của chương trình là phát triển những chuỗi giá trị "xanh," hỗ trợ người nghèo sản xuất trên cơ sở bền vững về mặt môi trường với mục tiêu giúp người trồng và các hộ sản xuất nghèo cải tiến sản phẩm; đồng thời kết nối với những thị trường có khả năng sinh lời nhiều hơn.

Ông Ngọc cho rằng thách thức mà năm hoạt động này phải đối mặt chính là sự cạn kiệt của nguồn nguyên liệu thô, hạn chế kiến thức và kỹ năng sản xuất sạch và phát triển bền vững, thiếu những dịch vụ hỗ trợ, yếu kém trong việc tìm và phân tích thông tin thương mại và xây dựng mối liên kết thị trường bền vững./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục