Indonesia đề cử tân Thống đốc Ngân hàng trung ương

Tổng thống Indonesia đề cử Bộ trưởng Tài chính Martowardojo là ứng cử viên duy nhất vào vị trí Thống đốc Ngân hàng TW nước này.
Ngày 22/2, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã gây ngạc nhiên khi đề cử Bộ trưởng Tài chính Agus Dermawan Wintarto Martowardojo là ứng cử viên duy nhất vào vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), thay ông Darmin Nasution sắp mãn nhiệm.

Thông tin này đã được Chủ tịch Quốc hội (Hạ viện) Indonesia Marzuki Alie xác nhận khi nói rằng ông đã nhận được văn bản đề cử ông Martowardojo của Tổng thống Yudhoyono hôm 22/6, và sẽ trao lại cho Ủy ban XI xem xét trước khi đưa ra Quốc hội quyết định.

Ông Martowardojo, từng là Giám đốc Điều hành Ngân hàng Nhà nước Mandiri (BMRI), sau đó từ tháng 5/2010 được cử giữ chức Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho bà Sri Mulyani Indrawati chuyển đi làm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Ngân hàng Thế giới (WB).

Năm 2008 ông Martowardojo cùng với nhà kinh tế Raden Pardede được Tổng thống Yudhoyono đề cử làm Thống đốc BI, song không được Quốc hội phê chuẩn.

Bộ trưởng Martowardojo được quốc tế đánh giá cao trong vai trò người dắt dẫn nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Ông cũng đã góp phần làm giảm tỷ lệ nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách của Indonesia xuống các mức tương ứng 24% GDP và trên 2% GDP. Indonesia được các hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu có uy tín là Moody và Fitch nâng cấp mức tín nhiệm đầu tư hồi đầu năm 2012.

BI đã tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 5,75% tháng thứ 12 liên tiếp trong tháng 2/2013 để kích thích tăng trưởng kinh tế, do lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát 4,5-5%.

Bất chấp những tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, triển vọng kinh tế Indonesia vẫn khả quan khi Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company trụ sở tại Paris (Pháp) dự đoán quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này sẽ vượt Đức và Anh để giữ vị trí thứ sáu trong danh sách các cường quốc kinh tế thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil và Nga vào năm 2030./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục