Thách thức cho giấc mơ vàng của châu Á tại Olympic

Không còn lợi thế "sân nhà" như ở Olympic Bắc Kinh 2008, rất nhiều thách thức đang chờ đợi thể thao châu Á tại Olympic London năm nay.
Tại Olympic Bắc Kinh 2008, chủ nhà Trung Quốc đã đưa thể thao châu Á lên đỉnh thế giới khi lần đầu tiên vượt qua Mỹ trên bảng tổng sắp huy chương. Thành tích đó đang là sức ép lớn khi lần này, tại Olympic London 2012, Trung Quốc nói riêng và thể thao châu Á nói chung không còn lợi thế "sân nhà."

Bốn năm trước, Trung Quốc với sự đầu tư mạnh mẽ về tài chính cùng một đội ngũ hùng hậu đã gây bất ngờ với thể thao thế giới. Đó là một kỳ Olympic đầy ấn tượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng lọt vào top 10 đoàn xuất sắc nhất còn Ấn Độ để lại dấu ấn với huy chương vàng cá nhân đầu tiên tại các kỳ Olympic.

Nhưng năm nay, rất nhiều thách thức đang chờ đợi thể thao châu Á. Trung Quốc không còn giữ quy mô hoành tráng, giảm từ 639 vận động viên xuống 396 người. Đội ngũ này đang tập luyện ở nhiều địa điểm khác nhau để cố gắng nhanh chóng thích nghi với điều kiện thi đấu không dễ dàng gì cho các vận động viên châu Á.

Theo báo chí Trung Quốc, niềm hy vọng Lưu Tường ở nội dung 110 mét vượt rào nam đã buộc phải rời Anh sang Đức tập luyện bởi thời tiết giá lạnh, ẩm ướt ở nước chủ nhà Olympic 2012. Huấn luyện viên Tôn Hải Bình của Lưu Tường cho biết: "Nhiều đội Trung Quốc khác cũng phải di dời nơi tập huấn bởi thời tiết London quá lạnh."

Cũng đang có những lo ngại đối với đoàn thể dục dụng cụ Trung Quốc sau khi ngôi sao sáng từng vô địch thế giới và Olympic là Đằng Hải Tân bị chấn thương trong khi tập luyện tại Bắc  Ireland, trước đó đội trưởng Trần Nhất Băng cũng chấn thương.

Tuy nhiên, các vận động viên khác của đoàn Trung Quốc lại đang khá hưng phấn và hài lòng với quá trình chuẩn bị. Vì thế, sẽ là ngạc nhiên lớn nếu Trung Quốc không khép lại Olympic 2012 ở trong hai vị trí đầu tiên, thành tích họ đã đạt được hai kỳ Olympic liên tiếp vừa qua. Lưu Tường đã thể hiện phong độ xuất sắc trong năm nay và đang đầy cơ hội chinh phục huy chương vàng sau kỳ tích từng lập 8 năm trước ở Olympic Athens. Trung Quốc cũng nhiều khả năng "quét sạch" 4 huy chương vàng bóng bàn. Các nội dung mà đoàn thể thao nước này chiếm thế mạnh còn có nhảy cầu, cầu lông, cử tạ và bắn súng.

Không những thế, đoàn Trung Quốc đang đặt mục tiêu chinh phục những môn thi đấu chủ lực như đường đua xanh mà hy vọng lớn nhất là "kình ngư đường trường" Tôn Dương. Ở nội dung quần vợt, ngôi sao đang lên Lý Na cũng đang khát khao chinh phục tấm huy chương vàng đơn nữ.

Trong khi đó, dù đạt thứ hạng 6 ở Olympic Bắc Kinh 4 năm trước song đấy bị coi là bước thụt lùi của thể thao Australia vì họ từng đứng hạng 4 ở Olympic Athens. Lần này, Australia hy vọng những thế mạnh như bơi lội và đua xe đạp sẽ đưa họ trở lại top 5.

Nhật Bản cũng đang đặt mục tiêu lớn là giành được hơn 16 huy chương vàng để có thêm trọng lượng trong cuộc vận động đăng cai Olympic 2020 của Tokyo. Những niềm tin của xứ sở hoa anh đào là vận động viên thể dục dụng cụ Kohei Uchimura hay kình ngư Kosuke Kitajima quyết tâm lập cú đúp bơi ếch 100 mét và 200 mét nam.

Ngoài ra, các cô gái Nhật Bản còn đang là đương kim vô địch bóng đá nữ thế giới và đầy hào hứng chinh phục thêm tấm huy chương vàng Olympic. Hàn Quốc đưa ra mục tiêu khiêm tốn hơn với 10 huy chương vàng và một vị trí trong top 10./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục