Phép thử cách mạng

Phép thử đối với cuộc Cách mạng Bolivar hậu Chavez

Ông Maduro nhiều khả năng thắng cử và sẽ tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng Bolívar do Tổng thống Venezuela Chavez khởi xướng.
Chiến dịch tranh cử ngắn nhất trong lịch sử Venezuela đã kết thúc ngày 11/4, chỉ  ba ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tìm người kế nhiệm Tổng thống Hugo Chavez, sau khi ông qua đời ngày 5/3 vừa qua mà không kịp tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2013-2019 do ung thư tái phát. Tổng cộng có bảy ứng cử viên đủ điều kiện tranh cử, tuy nhiên chỉ có quyền Tổng thống Nicolás Maduro, ứng cử viên của Đảng xã hội thống nhất (PSUV), và Thống đốc bang Miranda, Henrique Capriles, do liên minh đối lập Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) đề cử, có khả năng giành chiến thắng để lãnh đạo đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này. Bất chấp thực tế hầu như tất cả các cuộc điều tra dư luận cho thấy ông Maduro dẫn điểm, đối thủ Capriles vẫn nỗ lực giành giật “từng lá phiếu,” với hy vọng có thể đánh bại ứng viên của phe chính phủ. Kịch bản lặp lại sau 6 tháng 6 tháng sau cuộc bầu cử với kết quả Tổng thống Chavez giành chiến thắng thuyết phục với trên 55% phiếu ủng hộ, các đại diện của PSUV và MUD lại “đọ sức” tại hòm phiếu vào ngày 14/4 tới. Trước khi lên đường sang Cuba để thực hiện ca phẫu thuật lần thứ 4 kể từ khi phát hiện căn bệnh hiểm nghèo, Tổng thống Chavez đã kêu gọi người dân bỏ phiếu cho ông Maduro trong trường hợp phải tổ chức bầu cử sớm nếu xảy ra biến cố trong ca mổ. Tự coi mình là “người con của Chavez” và nhận sứ mệnh mà ông tin giao, trong tất cả các hoạt động tranh cử với sự tham dự của hàng vạn người dân, quyền Tổng thống Maduro luôn nêu bật những thành tựu xã hội to lớn mà đất nước giành được dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ tối cao của cuộc Cách mạng Bolivar Hugo Chavez, cũng như thảm họa mà đất nước trải qua trong nền cộng hòa thứ 4 tồn tại suốt 40 năm (1958-1998) trước khi Tổng thống Chavez lên nắm quyền năm 1999, đồng thời cam kết trung thành tuyệt đối với sự nghiệp mà ông Chavez giao phó, và bảo vệ những di sản mà ông để lại. Ông Maduro cũng cảnh báo, trong trường hợp cánh hữu đối lập lên cầm quyền, mọi thành quả xã hội trong 14 năm cầm quyền của ông Chavez sẽ biến mất, cụ thể là những chương trình xã hội trụ cột của cuộc Cách mạng Bolivar nhằm phát triển giáo dục, y tế, xây dựng nhà ở, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, phân phối lương thực và thực phẩm thiết yếu với giá ưu đãi...dành cho người nghèo sẽ bị dẹp bỏ, và tập đoàn dầu khí quốc gia Pdvsa, nguồn cung cấp tài chính cho các chương trình xã hội trên, sẽ bị tư nhân hóa. Xuất thân từ một tài xế, quyền Tổng thống Maduro - năm nay 51 tuổi - đã tới một số địa phương để tranh cử trên chiếc xe buýt mà ông tự lái để khẳng định, với nguồn gốc công nhân của mình, ông sẽ bảo vệ quyền lợi của người lao động, của những người nghèo với đời sống đã được cải thiện trong suốt 14 năm cầm quyền của Tổng thống Chavez. Cương lĩnh tranh cử của ông Maduro chính là kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn 2013-2019 đã được cố Tổng thống Hugo Chavez soạn thảo khi tranh cử năm ngoái nhằm làm sâu sắc những thay đổi chính trị, xã hội và kinh tế tại Venezuela. Văn kiện này đề ra 5 mục tiêu lớn: củng cố nền độc lập, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, biến Venezuela thành một cường quốc, góp phần xây dựng một thế giới đa trung tâm và đa cực, và giữ gìn cuộc sống trên hành tinh Trái đất. Trong khi đó, mặc dù bản thân đã thất cử trước Tổng thống Chavez trong cuộc bầu cử ngày 7/10 năm ngoái và phe đối lập thất bại ê chề trong cuộc bầu cử các thống đốc bang 2 tháng sau đó, ông Capriles không thể từ chối ra tranh cử lần này theo đề nghị của MUD, vì ông là khuôn mặt khả dĩ nhất của phe đối lập, bởi giành được số phiếu đáng kể trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, từng có thời gian làm chủ tịch Hạ viện, hai lần là quận trưởng quận Baruta ở Caracas, và hai lần thắng cử thống đốc bang Miranda, 1 trong 3 bang hiện do phe đối lập kiểm soát. Ông Capriles, 41 tuổi, thuộc tầng lớp thượng lưu. Phát biểu tranh cử, ông cam kết đem lại cơ hội cho mọi tầng lớp dân cư, tăng lương tối thiểu, đa dạng hóa nền kinh tế và chấm dứt tình trạng “ban phát” dầu mỏ cho nước ngoài, giảm tỷ lệ tội phạm. Để giành được phiếu bầu của những người ủng hộ cố Tổng thống Chavez, ông đặt tên cho nhóm vận động tranh cử là Simón Bolivar (vị anh hùng giải phóng là thần tượng của ông Chavez), hứa hẹn sẽ tiếp tục và làm tốt hơn những chương trình xã hội do ông Chavez khởi xướng, và thậm chí sẵn sàng cấp quốc tịch Venezuela cho các bác sĩ Cuba đang làm việc theo chương trình hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên, phe chính phủ coi tất cả các phát biểu này một sự lừa dối đến trơ trẽn sau khi tố cáo ông Capriles là đại diện của các lực lượng cánh hữu, chủ trương quay lại áp dụng chính sách tự do mới, bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản và điên cuồng chống Cuba. Chính trị gia này từng bị tạm giam vì bị cáo buộc trong cương vị quận trưởng quận Baruta,đã tổ chức bao vây và yêu cầu được khám xét trụ sở đại sứ quán Cuba để bắt ông Diosdado Cabello, khi đó là Phó tổng thống hiện là Chủ tịch Quốc hội, được cho là đang ẩn náu ở đó trong thời gian diễn ra cuộc đảo chính bất thành của các lực lượng cánh hữu nhằm lật đổ Tổng thống Chavez năm 2002. Cơ hội thuộc về phe chính phủ Mặc dù qua đời, Tổng thống Chavez “hiện diện” trước và trong toàn bộ thời gian tranh cử chính thức để tìm người kế nhiệm ông, thậm chí được cả hai ứng cử viên nặng ký nhất sử dụng như là “ngọn cờ”: trong khi ông Maduro cam kết thực hiện toàn bộ cương lĩnh của chính phủ do ông Chavez vạch ra, đối thủ Capriles tìm cách thuyết phục cử tri rằng ông Maduro không đủ tầm của ông Chavez và đã “phá hoạt đất nước” trong khi tạm điều hành chính phủ, và không ngượng mồm khi tuyên bố sẽ tiếp tục các chương trình xã hội do ông Chavez khởi xướng, trong đó có “sứ mệnh” phát triển y tế cộng đồng với sự cộng tác của đội ngũ bác sĩ Cuba. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, ông Maduro có lợi thế trong cuộc “ganh đua” này. Sau 14 năm cầm quyền, ông Chavez đã đánh thức được ý thức chính trị của người dân Venezuela. Mặc dù có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, trước khi Tổng thống Chavez cầm quyền, đa số người dân sống trong cảnh nghèo khổ và bị loại ra lề xã hội. Thế nhưng giờ đây họ đã trở thành chủ nhân của đất nước và hiểu rõ hơn ai hết rằng, không như tất cả các tổng thống của nền cộng hòa thứ 4 đã phản bội nhân dân trong suốt 40 năm, Tổng thống Chavez đã thực hiện cam kết tranh cử, và chỉ có ứng cử viên của phe chính phủ mới tiếp tục sự nghiệp dang dở của ông. Ý thức đấu tranh vì quyền lợi của người dân đã được thể hiện rõ nét khi hơn 80% cử tri Venezuela tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, mặc dù tại quốc gia Nam Mỹ này bỏ phiếu là không bắt buộc. Điều này cũng được khẳng định trong cuộc bầu cử thống đốc bang tháng 12 năm ngoái. Mặc dù Tổng thống Chavez vắng mặt để đi chữa bệnh tại Cuba, dân chúng đã bầu các ứng cử viên của đảng cầm quyền, với kết quả là đảng cầm quyền giành được 20 trong 23 ghế thống đốc bang. Theo hầu hết các cuộc thăm dò dư luận được công bố trong những ngày qua, ông Maduro đều dẫn trên 10 điểm, thậm chí có cuộc khảo sát cho thấy cách biệt lên tới 20 điểm. Như vậy, ông Maduro có nhiều khả năng thắng cử và sẽ tiếp tục sự nghiệp xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI,” đưa cuộc Cách mạng Bolívar do Tổng thống Chavez khởi xướng tới điểm “không thể đảo ngược,” để đem lại tiến bộ và công bằng xã hội cho Venezuela, như nhà lãnh đạo cánh tả này hằng mong muốn./.


Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục