Ai Cập bắt đầu đối thoại chính trị dân tộc về bầu cử

Tối 26/2, Ai Cập đã bắt đầu cuộc đối thoại chính trị nhằm thảo luận các biện pháp đảm bảo sự trọn vẹn của cuộc bầu cử vào ngày 22/4 tới.
Tối 26/2, Ai Cập đã bắt đầu cuộc đối thoại chính trị giữa Tổng thống Mohamed Morsi, các lực lượng chính trị khác nhau, các nhân vật dân tộc và đối lập, nhằm thảo luận các biện pháp đảm bảo sự trọn vẹn của cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 22/4 tới.

Tổng thống Morsi chủ trì cuộc đối thoại, với sự tham gia của đại diện các phong trào chính trị và các đảng, bao gồm đảng Tự do và Công lý (FJP), Al Nour Salafist, Al-Watan, đảng Hồi giáo al-Wasat, đảng cánh tả Phát triển và Cải cách, đảng Ghad al-Thawra và Mặt trận Lương tâm Dân tộc (NCS).

Trước đó, ông Morsi đã kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị trong nước tham gia cuộc đối thoại này, nêu rõ diễn đàn này có tầm quan trọng rất lớn trong giai đoạn then chốt của quá trình chuyển tiếp hiện nay.

Ông cũng khẳng định rằng “tất cả những khuyến nghị của các thành phần tham gia đối thoại sẽ được chuyển lên Ủy ban Bầu cử Tối cao xem xét thông qua.”

Mặt trận Cứu quốc (NSF) - khối đối lập chính ở Ai Cập - đã quyết định không tham gia cuộc đối thoại dân tộc cũng như cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.

Phát biểu trên một kênh truyền hình tư nhân, người phát ngôn của NSF Ahmed al-Borai cho rằng bầu không khí hiện nay "không thích hợp" để tổ chức bầu cử.

Một nhà lãnh đạo của NSF, ông Sameh Ashour, khẳng định "NSF không thể tham gia bầu cử Quốc hội nếu như không có được luật bầu cử công bằng và một chính phủ công minh."

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Chủ tịch đảng FJP Mohamed Saad al-Katatny cho rằng sự tham gia tích cực của các lực lượng chính trị và đông đảo cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tới đây sẽ là sự đảm bảo thực sự cho tính minh bạch và trọn vẹn của cuộc bầu cử quan trọng này.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng al-Wasat, ông Abul Ela Madi đề nghị thành lập ủy ban chung chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động giữa các chính đảng và Ủy ban Bầu cử Tối cao (HEC).

Phó Chủ tịch đảng Al-Watan Yosry Hammad đề nghị rút ngắn tiến trình bầu cử từ bốn giai đoạn xuống còn ba giai đoạn, đồng thời thành lập một cơ quan chung chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ tiến trình này.

Phó Chủ tịch đảng Ghad al-Thawr, ông Mohamed Mohieddin yêu cầu thành lập chính phủ kỹ trị.

Cuộc đối thoại được tổ chức theo lời kêu gọi của Tổng thống Morsi với mục đích khuyến khích tất cả các thành phần chính trị trong nước đưa ra đề xuất và kiến nghị liên quan tới cuộc tổng tuyển cử sẽ được khởi động trong hai tháng tới nhằm đảm bảo tính tự do, công bằng và minh bạch.

Các đề xuất có thể bao gồm cách thức giám sát tiến trình bầu cử, thành phần giám sát, quy trình bầu cử.

Trước đó, Ủy ban Bầu cử Tối cao của Ai Cập cho biết đã cấp thêm giấy phép cho bốn tổ chức quốc tế và 50 tổ chức trong nước tham gia giám sát bầu cử Quốc hội.

Tính đến nay, HEC đã cấp gần 900 giấy phép cho các giám sát viên quốc tế và gần 91.000 giấy phép cho các tổ chức trong nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục