Các chính đảng Nga "tăng tốc" tranh cử Quốc hội

Ngay sau các đại hội đảng, các chính đảng ở Nga đã bắt đầu "tăng tốc" vận động tranh cử vào Duma Quốc gia Nga vào tháng 12 tới.
"Cuộc tranh đua" chính trị ở Nga đã "tăng tốc" trước thềm bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga vào tháng 12 tới với việc 3 chính đảng "nặng ký," gồm đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền, Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) và đảng Nước Nga công bằng, trong các ngày cuối tuần qua đều đã tổ chức đại hội trù bị, thông qua chương trình tranh cử và danh sách ứng cử viên.

Đại hội của đảng Nước Nga thống nhất đã thông qua danh sách 600 ứng cử viên của đảng do đương kim Tổng thống Dmitry Medvedev đứng đầu ra tranh cử vào Duma Quốc gia khoá mới. Còn Thủ tướng Vladimir Putin sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2012.

Như vậy diễn đàn của những người ủng hộ UR đã cùng lúc giải đáp hai tình tiết chính trị được dư luận trông đợi từ lâu nay.

Ông Vyacheslav Nikonov, Chủ tịch Quỹ Chính sách, bày tỏ tin tưởng quyết định của "cặp bài trùng" Putin-Medvedev sẽ đảm bảo sự ổn định xã hội và mang tính chất chiến lược. Trong số các mục tiêu ưu tiên được UR đề ra có chính sách xã hội và hiện đại hóa kinh tế. UR cũng coi KPRF là đối thủ chính của mình trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Liên bang Nga cũng đã thông qua chương trình vận động tranh cử và duyệt danh sách ứng cử viên. Ngoài việc đề ra nhiệm vụ chiến thắng UR trong cuộc chạy đua vào Hạ viện, KPRF còn đặt mục tiêu loại bỏ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và tiến hành quốc hữu tài nguyên khoáng sản Nga. Theo Chủ tịch Viện chiến lược quốc gia Nga, Mikhail Remizov, Đảng Cộng sản Liên bang Nga đã tiến tới các cuộc bầu cử như một chính đảng đối lập mạnh nhất.

Đảng Nước Nga công bằng đang trải qua cuộc khủng hoảng thật sự với việc lãnh đạo đảng là ông Sergei Mironov vừa bị mất chức Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga cùng với sự rời bỏ hàng ngũ đảng của một số thành viên có ảnh hưởng.

Tại Đại hội trù bị, đảng Nước Nga công bằng đã xác định các ưu tiên chính trong cương lĩnh tranh cử của mình, trong đó có cuộc chiến chống đói nghèo, tệ tham nhũng. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đảng Nước Nga công bằng có thể không vượt qua được mức giới hạn 7% số phiếu ủng hộ để có chân trong Duma Quốc gia.

Giới phân tích dự đoán chiến dịch tranh cử vào Quốc hội Nga năm nay hứa hẹn đầy phức tạp, đời sống chính trị ở Nga đang trở nên sôi động và cuộc bầu cử sắp tới có thể làm thay đổi cán cân trong đỉnh cao quyền lực ở Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục