“Cần tuyên truyền nhiều hơn về chủ quyền biển đảo”

Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại cho rằng cần phải tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa về chủ quyền biển đảo bằng nhiều phương thức.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020. Trong đó nhấn mạnh việc gắn kết nhịp nhàng, phát huy các nguồn lực tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Thực tế cũng cho thấy, việc thông tin nâng cao vị thế cũng như làm cho thế giới hiểu rõ về Việt Nam là hết sức quan trọng. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm nhiều người còn chưa hiểu rõ về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) về vấn đề này.

- Vai trò của thông tin đối ngoại ngày càng trở nên quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện, công tác quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại ra sao, thưa ông?

Ông Lê Văn Nghiêm: Đảng và Nhà nước ta ngày càng coi trọng công tác thông tin đối ngoại, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về vấn đề này.
 
Sau khi Thủ tướng chính phủ ra Quyết định 79 ngày 30/10/2010 kèm theo Quy chế Quản lý nhà nước và thông tin đối ngoại, thời gian qua các Bộ, ngành và địa phương cũng đang thực hiện các quy chế này một cách tích cực.

Tiếp theo, ngày 14/02/2012, Bộ Chính trị đã có Kết luận 16, thông qua Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 và gần đây nhất, ngày 6/8, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành chỉ thị số 21 về việc triển khai thực hiện chiến lược này.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng kế hoạch để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng. Trong đó có mấy nội dung quan trọng như xây dựng chương trình hành động của Chính phủ, tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thông tin đối ngoại hàng năm của Chính phủ. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cũng xây dựng kế hoạch công tác thông tin đối ngoại hàng năm…

Quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại cần các yếu tố như văn bản pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ chuyên trách và kinh phí.

Với sự triển khai tích cực, đồng bộ và bài bản, công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trong thời gian tới sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp.

- Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề tuyên truyền cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ về Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền của chúng ta trên biển Đông là rất quan trọng. Là cơ quan quản lý, Cục Thông tin đối ngoại đã làm gì?

Ông Lê Văn Nghiêm: Triển khai công tác thông tin đối ngoại theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thông tin đối ngoại đã triển khai nhiều nhiệm vụ. Trong đó việc đưa thông tin hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua việc phát huy báo mạng điện tử, trang web, các kênh truyền hình VTV4, VTC10…

Cũng trong năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đón 6 đoàn phóng viên nước ngoài, mỗi đoàn ở Việt Nam khoảng 10 ngày để tìm hiểu, phản ánh về Việt Nam. Đây là một công việc được triển khai hàng năm và đem lại hiệu quả cao.

Về biển đảo, chúng tôi cũng đang triển khai nhiều công việc thiết thực như xuất bản các ấn phẩm liên quan chủ quyền biển đảo, kinh tế biển như “Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông”, “Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế”… Thời gian tới, chúng tôi sẽ xuất bản cuốn “Những vấn đề cơ bản về Biển Đông và hải đảo”.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng triển khai các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cán bộ và nhân dân trong vấn đề quản lý, khai thác và phát triển bền vững kinh tế biển cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo.

- Những ấn phẩm về biển đảo nói trên thời gian qua đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Cục Thông tin đối ngoại có ý định xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau hoặc sách điện tử để cộng đồng quốc tế hiểu về chủ quyền của Việt Nam hay không, thưa ông?

Ông Lê Văn Nghiêm: Đây là vấn đề được chúng tôi coi trọng. Trước các cuốn sách về biển đảo nói trên, chúng tôi có phối hợp với Ủy ban Biên giới quốc gia và Hội Sử học Việt Nam xuất bản cuốn sách “Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc” khoảng 500 trang và đã được dịch sang tiếng Anh.

Hiện, cuốn “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” đang được triển khai dịch sang tiếng Anh và tiếng Trung Quốc và các cuốn sách khác cũng sẽ được ưu tiên dịch thuật.

Chúng tôi cũng có dự án xuất bản sách điện tử và dự kiến năm nay sẽ hoàn thành. Khi đó, không chỉ sách về Biển Đông mà tất cả các sách phục vụ quảng bá hình ảnh đất nước sẽ được ấn bản điện tử. Độc giả trong nước và quốc tế có thể tiếp cận nguồn thông tin này miễn phí.
 
Nhiều trang web đối ngoại như vietnam.vn do Cục Thông tin đối ngoại quản lý có mở chuyên mục về biển đảo Việt Nam với tiếng Việt, Anh và Trung Quốc với rất nhiều thông tin, dữ liệu về biển đảo, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trong nước và quốc tế.

- Ông đánh giá thế nào về việc tuyên truyền biển đảo hiện nay?

Ông Lê Văn Nghiêm: Cùng với hoạt động ngoại giao, pháp lý thì công tác thông tin tuyên truyền là hết sức quan trọng và đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, công tác thông tin cần đẩy mạnh hơn nữa.

Chúng ta cần làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước hiểu rõ đường lối, chủ trương, lẽ phải chính nghĩa của chúng ta để toàn dân Việt Nam trong nước và nước ngoài ủng hộ Đảng, ủng hộ Nhà nước, tạo được sự đồng thuận và đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều ngoại ngữ, phát triển nhiều ấn phẩm có giá trị khoa học cao… để cộng đồng quốc tế hiểu rõ đâu là sự thật về chủ quyền trên Biển Đông theo pháp luật quốc tế, để tạo được sự ủng hộ của nhân dân trên thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Yên Thủy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục