Bắc Kạn kỷ niệm 65 năm trận công đồn Phủ Thông

Trận công đồn Phủ Thông ở Bắc Kạn đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam trong chiến lược lấy ít diệt nhiều, lấy yếu thắng mạnh.
Ngày 25/7, tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã long trọng kỷ niệm 65 năm trận công đồn Phủ Thông. Đây là trận công đồn cấp tiểu đoàn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trận công đồn Phủ Thông đã đi vào lịch sử quân sự cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam trong chiến lược lấy ít diệt nhiều, lấy yếu thắng mạnh.

Có 34 cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 312 tham dự buổi lễ kỷ niệm này, trong đó có 7 cựu chiến binh từng tham gia trực tiếp trận công đồn Phủ Thông cách đây 65 năm.

Trung tướng Trần Linh, nguyên chính trị viên Trung đội 6, Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 312 (đã từng giữ chức Phó Tư lênh Bộ đội Biên Phòng), người trực tiếp tham gia trận công đồn Phủ Thông ngày 25/7/1948 bồi hồi kể lại những thời khắc oanh liệt, khí thế hào hùng và cả những nỗi đau mất mát của chiến tranh, về đồng chí, đồng đội, sự chia sẻ quân dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc

Trung tướng Trần Linh kể trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã đi nhiều chiến trường, tham gia nhiều trận đánh, nhưng trận đánh để đời của ông chính là trận công đồn Phủ Thông lịch sử. Đây là trận đánh thử lửa, mang tính chiến thuật, chiến lược, mà theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường, tinh nhuệ của Pháp, phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng đã mang lại niềm tin, kinh nghiệm và có cống hiến lớn lao cho bộ đội ta tiến lên con đường công kiên, đặc biệt là trong chiến dịch biên giới và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong cả 30 năm kháng chiến."

Trong phát biểu của mình, ông Hà Văn Khoát, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn nhấn mạnh thắng lợi từ trận công đòn lịch sử Phủ Thông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của quân đội Việt Nam. Trận đánh đã giáng một đòn mạnh vào mắt xích quan trọng của địch trên tuyến đường số 3, làm địch thêm lúng túng, cô lập, làm rung chuyển hệ thống cứ điểm và làm thất bại kế hoạch mở rộng vị trí chiến lược đóng trên địa bàn Bắc Kạn.

Chiến thắng Phủ Thông đã mang lại niềm tin, kinh nghiệm và tạo đà để Bắc Kạn trở thành địa phương đầu tiên được giải phóng, góp phần quan trọng cho quân và dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch biên giới, chiến dịch Điện Biên Phủ và giành thắng lợi trong cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trước lễ kỷ niệm, lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Kạn cùng với các chiến sỹ Tiểu đoàn Phủ Thông, các cựu chiến binh của Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 312 đã thăm lại di tích chiến trường xưa, viếng nghĩa trang Phủ Thông. Những cựu chiến binh của trận chiến 65 năm trước không giấu nổi sự xúc động trước những nấm mộ của đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến công đồn lịch sử.

Ông Trương Đình Cẩn, tâm sự: “Khi tham gia trận công đồn lịch sử Phủ Thông, tôi mới 16 tuổi, là liên lạc cho Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên, (sau này là Tư lệnh Quân khu 3). Cuộc đời binh nghiệp của tôi đã tham gia nhiều chiến trường, trong đó có 11 trận chiến trên quốc lộ số 3 và biên giới, cả 11 điểm chiến đấu này đều được ghi nhận là di tích lịch sử, nhưng trận chiến Phủ Thông là trận chiến lớn nhất, ác liệt nhất, cũng là trận chiến không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của tôi bởi sự dũng cảm, dám hy sinh của đồng chí, đồng đội”./.

Nguyễn Trình-Đức Hiếu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục