Chinh phục sông dữ, thắp sáng cao nguyên đá

Dòng Nho Quế hung dữ bị chinh phục bằng lòng quả cảm, sức mạnh khoa học kỹ thuật, để thắp sáng miền cao nguyên đá nơi ải Bắc.
Một đồng nghiệp từng kể với tôi rằng, lần lên vùng địa đầu Tổ quốc Hà Giang, được các giáo viên cắm bản trên triền núi đá xám ngoét “ưu đãi” đón tiếp bằng… một bữa điện.

Để có được thứ ánh sáng ấy, các thầy cô đã phải vượt vài chục km đường núi để “cõng” can xăng to tướng về chạy máy phát. Thế mới hay, “cái điện” ở quê hương của đá tai mèo còn nhiều khó khăn.

Lần này, tôi đến Hà Giang, đi theo đoàn người làm thủy điện. Họ đã vượt qua những ngọn núi đá tai mèo, tận dụng sức lực và sự hiểm ác của con sông Nho Quế để thắp sáng vùng đất nghèo bậc nhất Tổ quốc. Rồi mai đây, ánh sáng điện sẽ ngập tràn, những bản người Mông, Lô Lô, Pu Péo... Nơi biên viễn xa xôi sẽ gần hơn nữa với thông tin miền ngược, miền xuôi.

Công trình xuyên lòng núi

Chiếc xe chở chúng tôi oằn mình vượt 150km đường cua tay áo liên tiếp qua những dãy núi đá vôi hùng vĩ trên cung đường Quản Bạ, Yên Minh để tới Mèo Vạc. Từ thị trấn phố núi nghèo nàn, xe lại vượt 40km để tới công trường thủy điện Nho Quế 3. Bụi tung mịt mù, chiếc xe lấm lem hệt như con trâu đằm, chòng chành giữa một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút.

Nếu đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng, “vén mây” nhìn xuống, Nho Quế như một sợi dây thừng xanh thẳm với chiều dài 46km “cột” những “con trâu núi” lại với nhau trước khi hòa vào sông Gâm. Song, khi tận mắt quay phim, chụp ảnh thì Nho Quế lại hiện ra với nhiều ghềnh thác nguy hiểm, lòng sông đầy đá hộc. Khi tôi đặt chân tới đã là mùa khô, mà dòng Nho Quế vẫn chảy xiết bởi độ dốc của nó.

Trên công trường còn đang bộn bề công việc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bitexco – Nho Quế, kỹ sư Vũ Chí Mỹ, quệt giọt mồ hôi bảo rằng, sau hai năm thi công, công trình đã có dáng dấp một thủy điện giữa bạt ngàn đá xám.

Theo cái chỉ tay của “người lính già kỳ cựu” là cảnh nhóm thợ đang hì hụi trên những thớt đá. Người khoan, người đặt mìn để làm đường, hầm, người còn đang treo mình trên vách đá… Tất thảy họ đều miết mải làm việc để Nho Quế 3 kịp tiến độ hòa mình vào dòng điện quốc gia.

Là người “dạn dày trận mạc”, đánh vật với những công trình thủy điện từ khi mới ra trường, ông Mỹ thừa nhận chưa từng có một thủy điện nào khó thi công như Nho Quế 3. Đường sá xa xôi, lại cua tay áo và gập ghềnh khiến công việc lại trở nên khó khăn gấp bội. Máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu thi công khi tới với công trường là cả biển mồ hôi nhỏ xuống. Đấy là chưa kể đến việc, đơn vị thi công phải đào núi, làm đường cho xe chạy, nghiền đá để thay cát sông…

Dòng Nho Quế, sau khi được ngăn lại bằng đập tràn, sẽ chạy vào lòng núi, xuống tổ máy phát điện trước khi trở lại về với chính mình. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Nho Quế kiêu hùng bị chặn để làm thủy điện. Thế mới hay, với sức mạnh khoa học kỹ thuật hiện đại, con người có thể làm nên những điều kỳ diệu.

Bừng sáng trên cao nguyên đá

Có lẽ, những người lãng mạn sẽ trách móc khi biết rằng “sợi dây thừng” Nho Quế sẽ bị “thắt nút” để làm thủy điện. Song, không thể phủ nhận tiềm năng to lớn về nguồn điện mà nó mang lại khi được vận hành, khai thác một cách hợp lý. Nhất là khi kinh tế trên quê hương đá tai mèo sắc lẹm còn quá khó khăn, ánh sáng điện chưa đến được với đông đảo bà con dân tộc… thì có lẽ, sự lựa chọn ấy là đúng đắn.

Chỉ mới khởi công công trình thôi, mà bộ mặt nơi phên giậu của Tổ quốc đã có nhiều thay đổi. Bà con dân tộc đã tiếp cận gần hơn với các cán bộ kỹ thuật, công trình. Họ bán từng mớ rau, con cá hay nâng cao nhận thức những lần sinh hoạt văn hóa đoàn, đội.

Nếu chưa kể đến việc có điện, được hưởng thụ văn minh vùng xuôi, miền ngược thì ngay việc hồ chứa nước được chặn bằng bể tràn cới dung tích hơn 2 triệu m3 cũng giúp bà con có nguồn nước ổn định trong mùa khô cằn. Đây vốn là nỗi thống khổ cực bao đời trên cao nguyên đá.

Ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Bitexco, thẳng thắn nói với cánh phóng viên, việc làm thủy điện ở Mèo Vạc của đơn vị này thời gian có lãi có thể lâu hơn, song sẽ được 5 điều: Phát triển kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng, chính trị và an ninh quốc phòng.

Bởi vậy, đơn vị này đã vượt qua mọi khó khăn để đến giờ phút này, phía trước chỉ là tiến độ lắp đặt, vận hành và kết nối vào lưới điện quốc gia. Ông Hội mong muốn Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai xây dựng gấp đường dây truyền tải điện 220KV (Nho Quế, Cao Bằng), để kịp tiến độ truyền tải điện vào quý 2/2010.

Tôi rời cao nguyên đá, mang theo hình ảnh một công trường nhộn nhịp trên bạt ngàn hoang vu đá xám ngoét, với vài ngôi nhà người Mông chót vót trên đỉnh núi. Càng không thể quên được ánh mắt trong leo lẻo của những em bé người Mông, Lô Lô... đùa nghịch trên công trường. Ánh mắt ấy, chỉ mới đây thôi nhìn đoàn cán bộ người Kinh còn lạ lẫm, nay đã bạo dạn nhiều.

Rồi mai đây, ánh điện sẽ bừng sáng trên từng nóc nhà, các em sẽ được tiếp cận với văn minh vùng ngược, vùng xuôi. Và rất có thể, sau này các em lại là những cán bộ giường cột của Nhà máy thủy điện Nho Quế 3 – như lời ông Hội nói, đang tuyển lực lượng thanh niên nơi đây đi đào tạo làm thủy điện./.
Ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho hay, quy hoạch địa phương xác định Hà Giang sẽ xây dựng 68 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 689 MW. Tính đến nay, tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 43 dự án thủy điện với tổng cống suất lắp máy là 650 MW.

Thủy điện Nho Quế 3, có công suất 110 MW, được xây dựng trên mặt bằng 186,5 ha thuộc 5 xã của huyện Mèo Vạc (Khau Vai, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Cán Chu Phìn, Pả Vi). Dự án này do Công ty cổ phần Bitexco – Nho Quế (thuộc Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư.

Đặt nhát xẻng đầu tiên vào tháng 3/2008, ngày 7/12/2009, Bitexco đã tổ chức Lễ khởi công và lấp sông đợt 1. Đơn vị đầu tư khẳng định, Nho Quế 3 sẽ đưa vào vận hành tổ máy phát điện đầu tiên vào quý 2/2011 và hoàn tất công việc vào cuối năm 2011.

Theo tính toán, hằng năm thủy điện này sẽ cung cấp vào hệ thống lưới điện quốc gia 507,59 triệu kWh.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục