Thể hiện trách nhiệm với sự kiện trọng đại đất nước

Ngày 12/3, Quảng Ninh, Phú Yên, Đắk Nông góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thể hiện trách nhiệm với sự kiện trọng đại đất nước.
Ngày 12/3, Hội đồng Nhân nhân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với Dự thảo, đồng thời tham gia đóng góp chỉnh sửa, bổ sung cho chặt chẽ hơn.

Đại biểu Nguyễn Thành Phố, thành phố Uông Bí, góp ý: Dự thảo còn một số hạn chế, cần sửa đổi bổ sung, sắp xếp lại các điều luật cho hợp lý, khoa học hơn trong Chương về quyền con người. Về khoản 1 Điều 115, Dự thảo Hiến pháp cần bổ sung thêm khu kinh tế đặc biệt và đặc khu để phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Ông Lê Xuân Đặng, đại biểu Hội đồng Nhân dân thị xã Quảng Yên góp ý vào Chương 9 Hiến pháp sửa đổi, trong đó Điều 117 về vấn đề “phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Hội đồng Nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”, theo đó cần thay từ “phải” bằng cụm từ “có trách nhiệm” để xác định rõ ràng nghĩa vụ của đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Hạnh, huyện Hoành Bồ, nêu ý kiến: Dự thảo lần này sửa đổi cả kết cấu, các chương, điều; nội dung trình bày ngắn gọn, cô đọng, rõ nghĩa, dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Góp ý về việc thành lập Tòa án Hiến pháp, đại biểu cho rằng với tình hình hiện nay, chưa cần thiết, việc thành lập Tòa án Hiến pháp có thể ảnh hưởng đến quan điểm tập trung, dân chủ của quyền lực Nhà nước.

Thời gian tới, ngoài việc tổng hợp các ý kiến toàn tỉnh để báo cáo Trung ương, tỉnh Quang Ninh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đến hết ngày 30/9 năm nay để tổng hợp, báo cáo Trung ương theo đúng tiến độ đề ra.

Cùng ngày, Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hầu hết các đại biểu tham gia Hội nghị đều thống nhất về tính súc tích, bố cục chặt chẽ và số chương, điều hợp lý của Dự thảo.

Một số đại biểu góp ý: Ở Lời nói đầu không nên viết “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử,” nên sửa là “Trải qua các thời kỳ lịch sử;” thay cụm từ “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin” bằng cụm từ “Trên nền tảng” để có tính thực tiễn hơn.

Tại Hội nghị, đã có 16 đại biểu phát biểu góp ý vào Dự thảo, thể hiện trách nhiệm của công dân đối với sự kiện trọng đại của đất nước.

Ông Điểu Kré, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Đắk Nông cho biết đến ngày 12/3, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 50.000 ý kiến đóng góp cho Dự thảo.

Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo diễn ra sôi nổi, trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị tổ chức hội nghị, lấy ý kiến cán bộ, người dân; gửi báo cáo tổng hợp trước ngày 15/3 tới đây.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất cách thức triển khai việc in ấn, phát hành tài liệu so sánh giữa bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 1992, gửi phiếu lấy ý kiến xuống từng hộ gia đình với tinh thần khoa học, hiệu quả và tiết kiệm.

Các ý kiến đóng góp của cán bộ, nhân dân tỉnh Đắk Nông đều nhất trí cao những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhiều ý kiến đóng góp tập trung vào một số nội dung như Lời nói đầu của Hiến pháp cần viết ngắn gọn, cô đọng và mang văn phong pháp lý nhiều hơn, cụm từ "trải qua mấy ngàn năm lịch sử" nên viết lại là "trải qua hàng ngàn năm lịch sử" cho phù hợp.

Tại Khoản 4 Điều 5 nên bỏ cụm từ "thiểu số" sau cụm từ "dân tộc" vì trong Khoản 2 Điều 5 cũng quy định "Các dân tộc, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc" do vậy không nên để từ "thiểu số" trong câu trên để thể hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc./.

Xuân Tùng, Trịnh Bang Nhiệm, Trần Hữu Hiếu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục