Vẻ vang nhiếp ảnh Việt

Vẻ vang chặng đường 60 năm nhiếp ảnh Việt Nam

Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm nhằm “ôn cố tri tân,” nhìn lại kết quả của chặng đường 60 năm nhiếp ảnh.
“Chúng ta tự hào về lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam, truyền thống đó mãi là nguồn động viên to lớn đối với nghệ sỹ, người làm công tác nhiếp ảnh vì sự phát triển của nền nhiếp ảnh nước nhà.”

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013) diễn ra vào chiều nay (15/3) tại Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam.

{Liên hoan Ảnh và chuyện của các “tay máy tỉnh lẻ”}

Sự kiện được tổ chức nhằm “ôn cố tri tân,” nhìn lại những kết quả của chặng đường 60 năm nhiếp ảnh Việt Nam đã qua để hướng tới con đường phát triển mới do Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức.

Nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam bắt nguồn từ các Hội Ái hữu Nhiếp ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn năm 1937-1938, bùng phát trong Cách mạng tháng Tám, toàn quốc kháng chiến, rồi phát triển rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đặc biệt, ngày 15/3/1953 tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”-mốc son đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho nhiếp ảnh đồng thời tạo nên nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Nhìn lại 60 năm, đội ngũ nhiếp ảnh Việt Nam đã phát triển đáng kể. Từ khi chính thức thành lập vào năm 1965 cho đến nay, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam từ 71 hội viên đã có hơn 900 hội viên với ba thế hệ cầm máy, sinh hoạt ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Vị trí nhiếp ảnh Việt Nam đã từng bước được nâng cao và có vị thế trong đời sống văn hóa -xã hội, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Rất nhiều tác phẩm ảnh quý về đề tài chiến tranh và cách mạng của nhiếp ảnh Việt Nam đã trở thành tư liệu vô giá, là bằng chứng lịch sử, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trước những kẻ thù tàn bạo.

Cùng với hoạt động sáng tác và triển lãm trong nước, nhiếp ảnh Việt Nam đã tích cực, chủ động vươn xa, hội nhập với nhiếp ảnh thế giới.

Năm 1991, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam trở thành thành viên quốc gia của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP).  Những năm gần đây, ảnh Việt Nam đã xuất hiện nhiều tại các cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế, ở các châu lục với hàng trăm huy chương, mang lại vẻ vang cho đất nước.

“Hy vọng rằng cùng với sự phát triển của đất nước, nhiếp ảnh Việt Nam sẽ có những bứt phá ngoạn mục hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh của mình, cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam khóa VII phát biểu.

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, đánh giá cao công lao các thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho 27 hội viên sáng lập, các nghệ sỹ là Ủy viên thường vụ, Ủy viên Thư ký Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam từ khóa I đến khóa VI.

Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng tặng Kỷ niệm Chương và bằng khen cho các cán bộ của các bộ, ban, ngành, các nghệ sỹ nhiếp ảnh có đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam-những người đặt nền móng cho các thế hệ nhiếp ảnh sau này kế thừa.

Xúc động khi vừa được trao tặng Kỷ niệm Chương và bằng khen, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Sính (83 tuổi)-Hội viên sáng lập Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi và hạnh phúc! Hôm nay thật sự là ngày vui của các thế hệ nhiếp ảnh, là dịp để chúng tôi gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ cùng nhau những kỷ niệm buồn vui, những kinh nghiệm trong cuộc đời nhiếp ảnh.”

Bên cạnh đó, để ghi nhận kết quả hoạt động của các Hội viên Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2012, Hội đã quyết định phong tặng tước hiệu Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cho 11 nghệ sỹ, bằng khen cho 25 đơn vị, 88 cá nhân và 39 giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc./.

Minh Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục